DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Phát triển y, dược cổ truyền trên địa bàn tỉnh

03/06/2019 00:00
Tỉnh Hòa Bình có nhiều tiềm năng để phát triển y, dược cổ truyền, bao gồm các điều kiện tự nhiên, kinh nghiệm và truyền thống trong sử dụng các loại cây, con để làm thuốc phòng và chữa bệnh. Điều đó đã góp phần hình thành nên một kho tàng tri thức sử dụng cây, con làm thuốc chữa bệnh rất quý giá. Đây là cơ hội để cho tỉnh tiếp tục phát triển y, dược cổ truyền hiện nay.
Nông dân Kỳ Sơn trồng và chế biến sản phẩm cà gai leo

Xét về điều kiện tự nhiên, khu vực núi cao các huyện Mai Châu, Tân Lạc, Đà Bắc có khí hậu mát mẻ, rất phù hợp để phát triển các loại cây dược liệu. Bên cạnh đó một số loài cây dược liệu quý vẫn còn trong rừng tự nhiên và được trồng trên đất rừng, vườn tạp, đất sản xuất, đất trồng cây hàng năm ở các huyện Đà Bắc, Tân Lạc, Lạc Sơn, Mai Châu, chủ yếu là các loại cây như: xạ đen, xạ vàng, củ mài, cúc hoa, địa liền, đinh lăng, giấc, giảo cổ lam, tỏi tía, trinh nữ hoàng cung, ý dĩ, mã tiền....với quy mô, diện tích trồng hàng năm trên 1,5 nghìn ha.

Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo việc phát triển y, dược cổ truyền như: Kế hoạch số 52, ngày 8/5/2009 của BTV Tỉnh ủy về “Thực hiện Chỉ thị số 24 của Ban Bí thư khóa X về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới; Quyết định số 3119, ngày 28/12/2018 về phê duyệt dự án quy hoạch phát triển cây dược liệu tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...Trên cơ sở các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, các huyện ủy, thành ủy đã xây dựng kế  hoạch thực hiện phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Đến nay, hệ thống khám chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền từ tuyến tỉnh đến cơ sở trong tỉnh cơ bản hoàn thiện. Tuyến huyện có 11/11 trung tâm y tế có khoạc hoặc liên chuyên khoa YHCT được đầu tư trang thiết bị y tế, vật tư y tế tiêu hao, cá loại hóa chất, thuốc. Tuyến cơ sở có 119/210 xã, phường, thị trấn có các loại trang thiết bị máy điện châm, kim châm cứu....Toàn tỉnh hiện có 429 giường bệnh YHCT/3.042 tổng số giường bệnh hiện có, đạt tỷ lệ 14,1%. Ngoài ra toàn tỉnh có 56 cơ sở hành nghề y dược học cổ truyền tư nhân được cấp phép hoạt động.

Về nhân lực, hiện toàn tỉnh có tổng số 731 bác sĩ YHCT, 1.014 y sĩ hoạt động trong lĩnh vực YHCT. Toàn tỉnh có 11 hội đông y huyện, thành phố, 05 chi hội trực thuộc tỉnh hội, 208/210 xã, phường, thị trấn đã thành lập chi hội đông y trực thuộc hội đông y các huyện, thành phố. Tổng số hội viên là 2.115 người.

Thực hiện Nghị quyết số 04, ngày 26/4/2016 của BTV Tỉnh ủy về cải tạo vườn tạp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, nhiều địa phương đã bổ sung việc xây dựng các vùng dược liệu vào quy hoạch. Đánh giá bước đầu về hiệu quả kinh tế, việc cải tạo vườn tạp, chuyển sang trồng cây dược liệu đã mang lại giá trị kinh tế khá so với các loại cây trồng khác. Một số địa phương trinh tỉnh đã hình thành được vùng trồng cây dược liệu như: Lạc Thủy trồng xả, cho thu nhập từ 110 - 140 triệu/ha/năm, cà gai leo tại Yên Thủy cho thu nhập từ 120 - 150 triệu/ha/năm; xạ đen tại huyện Lương Sơn cho thu nhập từ 110 - 140 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên về cơ bản việc quy hoạch vùng trồng dược liệu tại các địa phương còn chậm, chưa có cơ sở gây giống và vùng trồng tập trung; chưa có nhà máy chế biến, chiết xuất dược liệu. Sản phẩm dược liệu của các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ đưa ra thị trường chưa được kiểm soát, giá cả không ổn định nên chưa thu hút được đầu tư mở rộng.

Nhận rõ được tiềm năng phát triển là rất lớn, cần có chính sách, cơ chế phát triển, vừa qua BTV Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Chỉ thị số 54, ngày 9/5/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với việc phát triển y dược cổ truyền trên địa bàn tỉnh. Trong đó quán triệt thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về y, dược cổ truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và của nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của y, dược cổ truyền trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh, khoa YHCT trong các trung tâm y tế các huyện, thành phố, phòng khám đa khoa, phòng chẩn trị y học cổ truyền, dịch vụ YHCT và trạm y tế xã, phường, trị trấn; tăng tỷ lệ người bệnh được điều trị kết hợp YHCT với y học hiện đại, đặc biệt với tuyến xã. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, y đức cho đội ngũ cán bộ, y bác sĩ YHCT trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập và các phòng chẩn trị tư nhân. Củng cố kiện toàn tổ chức Hội Đông y các cấp, phát triển hội viên, phấn đấu đến cuối năm 2020 có 60% Hội Đông y cấp huyện, thành phố có phòng chẩn trị đông y. Tăng cường công tác quản lý việc khai thác nguồn dược liệu trong tự nhiên gắn với quan tâm tái sinh các loại dược liệu quý đang có nguy cơ cạn kiệt./.