Các đề tài nghiên cứu đã được tiến hành nhằm bảo tồn các giống cây trồng, vật nuôi bản địa hay phát triển các giống mới có giá trị kinh tế cao, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế bền vững cho người dân trước những nguy cơ tác động bất lợi của BĐKH. Điển hình như: Nghiên cứu khảo nghiệm một số giống lúa chất lượng cao Japonica (chịu lạnh) cho một số vùng tại tỉnh Hòa Bình; trồng thử nghiệm giống cam mới CaRa CaRa tại tỉnh Hòa Bình; Nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhân giống, trồng thâm canh, cải tạo nương chè già cỗi bằng giống mới và chế biến chè xanh, an toàn tại huyện Lạc Thủy,…Tạo lập và quản lý nhãn hiệu tập thể các các sản phẩm: “Qủa lặc lày hữu cơ Lương Sơn”, “hạt Dổi Lạc Sơn”; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm vịt Bầu Bến (Thanh Cao – Lương Sơn) tại tỉnh Hòa Bình; bảo tồn nguồn gen Tỏi tía Hòa Bình…
Để nâng cao kiến thức, năng lực thích ứng, bảo đảm sinh kế cho người dân những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, vùng thường xuyên bị tác động của thiên tai, các dự án đã được triển khai, tiêu biểu như: Thực hiện Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu cho cơ sở hạ tầng các tỉnh miền núi phía Bắc” trên địa bàn 15 tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có tỉnh Hòa Bình đã góp phần tăng cường sức bền và giảm nhẹ khả năng bị tổn thương của hạ tầng nông thôn các tỉnh miền núi. Thông qua dự án, tỉnh Hòa Bình có thể sử dụng bản đồ rủi ro của cơ sở hạ tầng nông thôn với lũ quét và sạt lở đất và ứng dụng bộ công cụ đánh giá tổn thương trong quá trình ra quyết dịnh; áp dụng giải pháp sinh học chi phí thấp trong thích ứng với BĐKH. Đề tài “Xây dựng ATLAS về BĐKH phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hòa Bình đến năm 2020 định hướng đến năm 2030” đã được Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu triển khai thực hiện tại tỉnh Hòa Bình với các mục tiêu: xây dựng cơ sở dữ liệu về BĐKH phục vụ hỗ trợ ra quyết định trong hoạch định chính sách, quy hoạch bằng những hình ảnh trực quan thông qua các bản đồ chi tiết ảnh hưởng đến tỉnh Hòa Bình năm 2020, định hướng đến năm 2030; thành lập ATLAS về ảnh hưởng của BĐKH đến một số ngành, lĩnh vực của kinh tế - xã hội tỉnh Hòa Bình.
Tỉnh cũng tích cực thực hiện các nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới thích ứng với BĐKH trong xây dựng đô thị, phát triển, sử dụng năng lượng, giao thông, vật liệu xây dựng, thoát nước. Hợp tác và triển khai các ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác cung cấp thông tin quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng nhằm ứng phó BĐKH trong quy hoạch đô thị theo hướng bền vững.
Bên cạnh đó, tích cực triển khai thực hiện các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và bảo vệ môi trường: Triển khai lắp đặt mô hình chiếu sáng bảo vệ trụ sở cơ quan sử dụng năng lượng mặt trời kết hợp nối lưới, đèn chiếu sáng sử dụng bóng đền LED có công suất từ 60W -90W, tỏa nhiệt ít, tiết kiệm điện năng, giảm phát thải khí CO2 so với hệ thống chiếu sáng sử dụng đèn cao áp sodium 250W hiện có. Triển khai chương trình chiếu sáng học đường sử dụng thiết bị chiếu sáng tiết kiệm năng lượng có hiệu suất cao được thực hiện tại các điểm trường học; việc triển khai chương trình giúp học sinh được sử dụng ánh sáng đúng tiêu chuẩn, giảm phát nhiệt ra môi trường. Nỗ lực giảm phát thải kính còn được tỉnh Hòa Bình thực hiện thông qua duy trì và tăng tỷ lệ che phủ rừng hàng năm đạt trên 51% từ năm 2016 – 2021./.