DetailController

Khoa học - Môi trường

Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới

15/05/2023 17:30
Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học là chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Việc triển khai ứng dụng Công nghệ sinh học (CNSH) trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe Nhân dân và bảo vệ môi trường.
Ứng dụng công nghệ sinh học tác động tích cực đến ngành nông nghiệp, tạo ra các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu, phòng chống các loại dịch bệnh

Việc ứng dụng CNSH trên địa bàn tỉnh bước đầu đạt được kết quả tích cực, tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh và có khả năng thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu, phòng chống các loại dịch bệnh, tạo các chế phẩm sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững. Các chế phẩm sinh học được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được phổ biến, nhiều loại chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học thế hệ mới được sản xuất, ứng dụng đã góp phần tích cực trong việc phòng trừ dịch hại, bảo vệ cây trồng, không gây ô nhiễm môi trường và nâng cao sức khoẻ cho người sản xuất, người tiêu dùng. Ứng dụng CNSH trong khâu bảo quản, chế biến bước đầu được quan tâm. Hiện nay một số doanh nghiệp đã đầu tư máy móc, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ enzym trong bảo quản, chế biến; Trong chẩn đoán và điều trị bệnh đã ứng dụng nhiều thành tựu CNSH, xét nghiệm sinh học phân tử bằng RT- PCR (Real time - Polymerase Chain Reaction), xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên… Việc ứng dụng rộng rãi các giải pháp CNSH này là một bước tiến rất lớn trong sự phát triển của ứng dụng CNSH tại Việt Nam nói chung cũng như của Hòa Bình nói riêng. Góp phần rất lớn cho việc ngăn chặn dịch dệnh Covid-19 tại địa phương góp vào thành công chung của công tác phòng chống đại dịch Covid- 19 của cả nước. CNSH đã được quan tâm ứng dụng trong xử nước thải của các cơ sở chăn nuôi, cơ sở chế biến nông sản thực phẩm, đây là những loại hình phát sinh nhiều nước thải, nước thải có hàm lượng các chất hữu cơ cao. Hiện nay, phần lớn các cơ sở đã đầu xây dựng công trình xử lý nước thải và cơ bản xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho phép…

Bên cạnh đó, tỉnh Hòa Bình đã ban hành các cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi, thu hút các dự án, đầu tư công nghệ; khuyến khích sử dụng các sản phẩm CNSH; phát triển và nhân rộng các hình, kết quả nghiên cứu CNSH mang lại hiệu quả, lợi ích cao. 100% các huyện ủy, thành ủy, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã ban hành văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Đồng thời, chính quyền các cấp đã chủ động đưa các mục tiêu, nhiệm vụ về ứng dụng CNSH vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hằng năm của địa phương để tổ chức thực hiện. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực CNSH được quan tâm. Các ngành chức năng đã chủ động lồng ghép đưa nội dung ứng dụng CNSH vào các nhiệm vụ chuyên môn thông qua các đề án, chương trình, kế hoạch thuộc lĩnh vực quản lý. Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã lồng ghép nội dung về ứng dụng CNSH trong các chương trình phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh về phong trào thi đua “Tỉnh Hòa Bình chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2016- 2020. Tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng vận động đoàn viên, hội viên ứng dụng các thành tựu CNSH vào sản xuất và đời sống. Hoạt động tuyên truyền được tăng cường đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viênquần chúng nhân dân về ứng dụng CNSH. Từ đó, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phát triển ứng dụng CNSH từng bước được tăng cường; các cá nhân, doanh nghiệp ngày càng quan tâm hơn tới việc ứng dụng CNSH vào hoạt động sản xuất và đời sống; Nguồn lực đầu tư cho việc nghiên cứu, ứng dụng CNSH được quan tâm.

Trong 05 năm qua toàn tỉnh đã triển khai 08 đề tài, dự án về CNSH cấp tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp; 03 đề tài lĩnh vực y - dược với kinh phí 15,2 tỷ đồng. Ngoài đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư nghiên cứu, ứng dụng CNSH phục vụ cho sản xuất. Hiện nay, tỉnh Hòa Bình có 20 tổ chức khoa học và công nghệ. Trong đó, có 07 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực CNSH phục vụ phát triển nông nghiệp. Mạng lưới các cơ quan nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ ở một số ngành kinh tế - kỹ thuật từng bước được hoàn thiện, như: Trung tâm Ứng dụng thông tin Khoa học, Công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ; Trung tâm giống cây trồng vật nuôi và thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thuộc Sở Y tế,.... Hiện nay đã tiếp nhận và làm chủ 30 quy trình công nghệ trong lĩnh vực CNSH; 15 hình trình diễn các thành tựu về CNSH đến với người dân. Hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế về CNSH cũng đã được triển khai. Đã ký thỏa thuận hợp tác với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Lâm nghiệp, ký kết thực hiện nhiều chương trình hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ như: Hợp tác toàn diện với thành phố Gimje của Hàn Quốc; hợp tác với quận ULJU, thành phố Busan - Hàn Quốc...

Tuy nhiên, việc phát triển và ứng dụng CNSH trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế: sự phối hợp giữa các ngành trong công tác tuyên truyền, triển khai ứng dụng CNSH trên các lĩnh vực còn ít; Chính sách hỗ trợ phát triển ứng dụng CNSH trên địa bàn tỉnh chưa tạo ra động lực để cá tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng CNSH; thiếu các tổ chức khoa học và công nghệ hoạt động trong lĩnh vực CNSH; cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, triển khai ứng dụng các tiến bộ trong lĩnh vực CNSH còn thiếu, lạc hậu; Những kết quả nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNSH vào các lĩnh vực sản xuất, đời sống hiệu quả chưa cao; chưa tìm ra được sản phẩm CNSH đặc thù và thế mạnh của địa phương; Đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên ngành CNSH còn thiếu, chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu; Ứng dụng CNSH trong các lĩnh vực phát triển chưa  rộng khắp, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, y dược và lĩnh vực môi trường; mới dừng lại ở các hoạt động thực nghiệm, chưa nhân rộng được hình, mới chỉ có một số ít ứng dụng có hiệu quả; Chưa hình thành ngành công nghiệp sinh học trên địa bàn tỉnh; Công nghệ sinh học chưa trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật trên địa bàn tỉnh.

Còn những hạn chế, yếu kém đó là do một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và cán bộ, nhân dân chưa nhận thức được đầy đủ về vai trò, ý nghĩa của CNSH. Kinh phí dành cho sự nghiệp khoa học công nghệ nói chung, CNSH nói riêng còn thấp. Công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của việc phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ nhất là phát triển và ứng dụng CNSH trong các lĩnh vực để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội ở một số địa phương, đơn vị chưa thường xuyên. Cơ chế, chính sách khuyến khích ứng dụng CNSH trên các lĩnh vực còn ít, thiếu đồng bộ. Cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho việc ứng dụng CNSH còn thiếu và lạc hậu. Đội ngũ cán bộ chuyên môn sâu trong lĩnh vực CNSH còn thiếu; chưa có chính sách thu hút ưu tiên nguồn nhân lực CNSH về tỉnh; Chưa có chính sách ưu tiên, tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển CNSH trên địa bàn tỉnh…

Trong những năm tới, tỉnh ta xác định mục tiêu phát triển và ứng dụng CNSH trong các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; nâng cao tiềm lực nghiên cứu phát triển, ứng dụng và làm chủ CNSH. Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, triển khai và ứng dụng các tiến bộ trong lĩnh vực CNSH. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực CNSH./.