DetailController

Tin từ các đơn vị

Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

06/08/2020 00:00
Xác định ứng dụng công nghệ sinh học là nhân tố then chốt, là nền tảng để phát triển kinh tế, xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao, đời sống của nhân dân. Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình luôn quan tâm và dành sự ưu tiên cho công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học vào đời sống, sản xuất.
Nhờ ứng dụng công nghệ sinh học, đã xây dựng mô hình nuôi thử nghiệm giống mới như cá tầm, cá hồi vân trên hồ Hòa Bình

Trong lĩnh vực nông nghiệp, việc ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh bước đầu đã đạt được kết quả tích cực, tạo ra các giống cây, con mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh và có khả năng thích nghi điều kiện biến đổi khí hậu, phòng chống với các loại dịch bệnh, tạo các chế phẩm sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững. Trong nghiên cứu thử nghiêm, triển khai thực hiện nhiều đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ sinh học hỗ trợ phát triển ản xuất. Hằng năm khảo nghiệm cơ bản trên 300 giống, khảo nghiệm sản xuất trên 40 giống lúa mới mỗi năm, lựa chọn từ 40-50 giống có nhiều đặc điểm nông sinh học tốt, có triển vọng, làm cơ sở đề nghị Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT công nhận giống Quốc gia và bổ sung vào cơ cấu giống phục vụ sản xuất của nhân dân trong tỉnh. Bổ sung nhiều bô giống lai có năng suất, chất lượng đưa vào sản xuất đại trà: nhị ưu 838, TH3-4, TH3-3, TH3-5, GS16, GS55,…Nhờ đó năng suất lúa bình quân tăng, góp phần tích cực vào việc đảm bảo an ninh lương thực của tỉnh liên tục nhiều năm. Đồng thời nghiên cứu, ứng dụng lúa thuần dòng J02 chất lượng cao hướng tới phát triển nhãn hiệu tập thể “Gạo Đà Bắc”. Đến nay, trên địa bàn tỉnh còn hình thành được bộ giống ngô ổn định, cho năng suất, chất lượng cao, ít sâu bệnh và thích nghi với điều kiện sinh thái và cơ cấu mùa vụ ở các địa phương góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Giống ngô lai tiếp tục được mở rộng chiếm trên 95%. Một số giống ngô nếp được trồng như HN68, HN88, HN90, MX10, ADI600…, giống ngô biến đổi gen như NK4300 Bt/Gt, DK 6919S. Về giống cây ăn quả, đã tập trung lựa chọn các giống cây cam mới, phù hợp cho khí hậu địa phương, cho thu hoạch rải vụ từ tháng 8 năm trước đén tháng 5 năm sau như: Cam CS1, cam canh, cam xã Đoài, cam V2, quýt Ôn Châu, cam Cara ruột đỏ…Đã xác định được 295 cây đầu dòng chất lượng như bưởi đỏ, bưởi da xanh, cam, quýt, giổi, tai chua, trám đen, ổi ODL1,…đảm bảo về số lượng, chất lượng giống cây trồng phục vụ cho sản xuất. Trồng thử nghiệm một số loại cây dược liệu bằng giống nuôi cấy mô, thử nghiệm cây thiên ngân với mục đích trồng rừng gỗ lớn, có giá trị kinh tế cao cho địa phương. Bảo tồn một số giống cây trồng địa phương như mía tím Hòa Bình, ngô nếp Thung Khe, cây giỏi ăn hạt, quýt Nam Sơn, lúa nếp cẩm Hòa Bình, tỏi tía Hòa Bình. Đã ứng dụng, chuyển giao thành công các giống cây lâm nghiệp có chất lượng được sản xuất bằng công nghệ sinh học như bạch đàn, keo lai, luồng, tre lục trúc, bát độ…góp phần thúc đẩy nhanh việc trồng rừng thâm canh, đưa năng suất và chất lượng gỗ rừng trồng tăng lên, góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng từ 39% (năm 2006) lên trên 51% (năm 2019). Ngoài ra, đã xây dựng mô hình nuôi thử nghiệm và khẳng định một số giống vật nuôi mới như cá tầm, cá hồi vân trên hồ Hòa Bình; nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giống cá bỗng, cá trắm đen; sản xuất giống lợn hướng nạc Yorkshie, Landrad, Duroc, giống gà, vịt siêu thịt, siêu trứng, dê Bách Thảo và phát triển mô hình các vật nuôi đặc sản của tỉnh như gà đồi Lạc Sơn, gà Lạc Thủy, vịt bầu bến…

Các chế phẩm sinh học được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được phổ biến. Những năm qua, nhiều loại chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học thế hệ mới được sản xuất, ứng dụng đã góp phần tích cực trong việc phòng trừ dịch hại, bảo vệ cây trồng, không gây ô nhiễm môi trường và nâng cao sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng. Một số chế phẩm, biện pháp sinh học được sử dụng phổ biến. Ứng dụng công nghệ sinh học trong khâu chế biến bước đầu được quan tâm. Hiện nay một số doanh nghiệp đã đầu tư máy móc, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ enzym trong chế biến như: công nghệ bảo quản cam, mận, công nghệ chế biến quả tươi, chế biến tinh bột,…tạo ra các sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trong lĩnh vực y dược, việc sử dụng các loại vắc xin được triển khai và đạt kết quả tốt, công tác tiêm chủng luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Nhờ vậy, các ca bệnh truyền nhiễm giảm rõ rệt, nhiều năm không phát hiện các ca ho gà, bạch hầu, uốn ván sơ sinh...Đã thanh toán bệnh bại liệt, bệnh uốn ván sơ sinh và đang tiến tới loại trừ bệnh sởi. Trong chuẩn đoán và điều trị bệnh đã ứng dụng nhiều thành tựu công nghệ sinh học như: ứng dụng vào việc chuẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh viêm gan do virus, chuẩn đoán bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn qua các xét nghiệm Realtime PCR…Các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, thuốc điều hòa, ức chế miễn dịch được ưu tiên trong điều trị cho bệnh nhân như: insuline human chậm, huyết thanh kháng nọc rắn, sử dụng các men vi khuẩn sống trong điều trị loạn khuẩn đường ruột…Đưa vào sử dụng một số thiết bị như: máy cấy máu, máy đếm tế bào CD4…Ngoài ra, tại các cơ sở y tế đã tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý nước thải nhằm giảm thiểu sự tác động đến môi trường.

Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong những năm gần đây, việc ứng dụng các chế phẩm vi sinh vật làm sạch môi trường và xử lý ô nhiễm môi trường được quan tâm triển khai. Các khu xử lý chất thải rắn đã áp dụng các công nghệ lên men sinh học, công nghệ tái chế, công nghệ đốt, xử lý lý hóa nhằm thực hiện xử lý chất thải rắn thành phần hữu cơ, thực hiện tái chế ra sản phẩm phân vi sinh, chất cải tạo đất hoặc các sản phẩm sinh học đồng thời hạn chế được tối đa lượng chất thải chôn lấp ảnh hưởng tới môi trường. Ngoài ra, công nghệ sinh học cũng được ứng dụng trong xử lý nước thải của các cơ sở chăn nuôi, cơ sở chế biến nông sản thực phẩm, đây là những loại hình phát sinh nhiều nước thải. Đối với ngành chăn nuôi, các cơ sở chăn nuôi đã tích cực triển khai áp dụng công nghệ nuôi theo hướng VietGAP với những công nghệ cơ bản: chương trình khí sinh học, sử dụng men vi sinh trong chăn nuôi…góp phần làm giảm thiểu lượng chất thải phát sinh, thu hồi năng lượng, chất dinh dưỡng từ chất thải./.