DetailController

Tin từ các đơn vị

Phát triển trang trại chăn nuôi quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao để tiến tới xuất khẩu

01/03/2023 16:14
Thực hiện Đề án Phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; ngành Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác chế biến và phát triển thị trường, triển khai nhiều giải pháp để kết nối, tiếp cận và phát triển thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó Chi cục tiếp tục triển khai tham mưu cho Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Uy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản liên quan đến chiến lược phát triển chăn nuôi của tỉnh, các chủ trường, chính sách để đảm bảo phát triển chăn nuôi của tỉnh bền vững, tạo nguồn sản phẩm có sản lượng nhiều, chất lượng tốt cung cấp ra thị trường tiêu dùng.
Tập trung phát triển chăn nuôi quy mô lớn, hàng hóa hướng tới xuất khẩu

Thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm cho các sản phẩm chăn nuôi của tỉnh. Chú trọng phát triển trang trại quy mô lớn và quy mô vừa ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi khép kín từ khâu con giống, thức ăn, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng tại các thành phố lớn, khu công nghiệp và hướng tới xuất khẩu. Đối với trang trại quy mô nhỏ và nông hộ triển khai áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu cho tiêu dùng, hướng tới xuất khẩu sản phẩm.

Ngành đã thực hiện điều chỉnh quy mô đàn gia súc, gia cầm phù hợp với nhu cầu thị trường, cơ bản ban đầu đã đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng trong tỉnh và các thành phố lớn ngoài tỉnh, các khu công nghiệp và hướng tới xuất khẩu. Kết quả sản xuất chăn nuôi năm 2022 toàn tỉnh đạt: Đàn trâu 114.560 con, bò 89.918 con, lợn 481.702 con, gia cầm đạt 9,7 triệu con, trứng gia cầm 120 triệu quả, Dê 52.000 con; Sản lượng thịt hơi xuất chuồng: thịt trâu 3.912 tấn, thịt bò đạt 3.220 tấn, thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 68.655 tấn, thịt gia cầm xuất chuồng đạt 26.190 tấn; Giá lợn hơi tại các địa phương đang ở mức 53.000 - 55.000 đồng/kg, giá gà ta loại từ 1,3 - 2kg là 130.000 - 140.000 đồng/kg. Giá gà Lạc Thủy khoảng 80.000 - 85.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, chú trọng phát triển các sản phẩm chăn nuôi chủ lực, có lợi thế của tỉnh theo hướng tập trung, quy mô lớn, theo chuỗi giá trị; Phát triển chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi hữu cơ, sinh thái, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; Chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh, tạo nguồn thực phẩm sạch an toàn cho người tiêu thụ, hướng tới đáp ứng các tiểu chuẩn, quy chuẩn khắt khe để xuất khẩu sản phẩm. Tiếp tục đẩy mạnh nhập mới, lai tạo các giống vật nuôi chất lượng cao để phát triển chăn nuôi công nghiệp hướng đến xuất khẩu; phát huy lợi thế các giống đặc trưng của địa phương (gà Lạc Thủy, lợn bản địa ...). Tăng cường kết nối, hỗ trợ tiêu thụ các giống vật nuôi trên địa bàn tỉnh nhất là các giống vật nuôi bản địa đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể (gà Lạc Sơn, gà Lạc Thủy, vịt cổ xanh Mai Hịch, lợn bản địa Đà Bắc, lợn đen Mường Pa...).

Hiện tại các sản phẩm nông sản của tỉnh ta đáp ứng tiêu chuẩn và đã xuất khẩu ra thị trường nước ngoài không nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển các sản phẩm nông sản của tỉnh. Do đó, thời gian qua Chi cục đã quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại, kết nối, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cho các sản phẩm chăn nuôi của tỉnh. Tuy nhiên các đơn vị trong tỉnh có sản phẩm nông sản đáp ứng và phù hợp yêu cầu của xuất khẩu lại chưa có nhu cầu kết nối, phát triển thương mại, xuất khẩu các sản, vì vậy các mặt hàng chủ yếu là tiêu thụ trong tỉnh và tiêu thụ tại các tỉnh lân cận như: Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình.... Các sản phẩm chăn nuôi chủ yếu tiêu thụ và đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và đang hướng tới xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.

Trên cơ sở tình hình thực tế hiện nay,  với đặc thù của các sản phẩm chăn nuôi rất dễ bị hư hỏng và mất an toàn sản phẩm, nếu không được sơ chế, chế biến sẽ khó vận chuyển, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, cần được sự quan tâm, tăng cường, hỗ trợ và đầu tư từ các cấp, các ngành, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để sơ chế, chế biến, đặc biệt là chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi của tỉnh, để tạo ra các loại sản phẩm thuận tiện cho việc vận chuyển, bảo quản và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Các cấp, các ngành tiếp tục xem xét phân bổ các nguồn kinh phí cho Chi cục về công tác quản lý, lấy mẫu, từ đó Chi cục có các biện pháp quản lý nhà nước tốt hơn về công tác chăn nuôi, thú y, an toàn thực phẩm, nhằm tạo ra các nguồn sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng, hướng tới xuất khẩu. Đề nghị các cơ quan ban ngành tiếp tục rà soát các văn bản quy định về chăn nuôi, thú y, an toàn thực phẩm, xúc tiến thương mại, phát triển xuất khẩu sản phẩm, để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế phù hợp với tình hình thực tiễn sản xuất, tiêu thụ của địa phương./.