Giai đoạn 2010-2015, thực hiện Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 của Chính phủ về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, ngành GD&ĐT đã đẩy mạnh nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tính đến tháng 8/2015, toàn tỉnh có 100% xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Hòa Bình là tỉnh miền núi đầu tiên và là tỉnh thứ hai trong cả nước được công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp phát triển mạnh. Trình độ đào tạo và chất lượng của đội ngũ nhà giáo từng bước được nâng cao. Hiện toàn ngành giáo dục và đào tạo có gần 22.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trên 96% giáo viên Mầm non, 100% GV phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp đạt trình độ chuẩn trở lên.
Từ ngân sách Nhà nước và các nguồn lực trong xã hội đã giúp cho sự nghiệp GD&ĐT đạt nhiều kết quả cao. Cụ thể: Đề án kiên cố hóa trường, lớp và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012 theo Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày 01/2/2008 của Chính phủ, đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng trên 2.000 phòng học, đạt tỷ lệ gần 76% và gần 800 phòng công vụ, đạt tỷ lệ gần 57%. Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 8.600 phòng học các cấp, trong đó phòng học kiên cố hóa chiếm gần 85%; có 237 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 33,3%.
Chất lượng học sinh giỏi cấp tiểu học tăng từ 32% đến 33%; học sinh yếu giảm từ 1,8% xuống còn 0,8%. Hàng năm, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học và tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 99% trở lên; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông từ 95%-99%. Trong 05 năm từ 2011-2015 có 212 học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, trong đó có 01 giải Nhất, 28 giải Nhì, 80 giải Ba và 103 giải Khuyến khích, trong đó số học sinh đạt giải có 43 học sinh là người dân tộc thiểu số.
Công tác giáo dục dân tộc tiếp tục được quan tâm, hệ thống các trường dân tộc nội trú, trường dân tộc bán trú được mở rộng về quy mô, nâng cấp về cơ sở vật chất. Các Phòng GD&ĐT đã tích cực tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt và triển khai đề án phát triển trường Phổ thông dân tộc bán trú giai đoạn 2011-2015 và đẩy mạnh việc thành lập trường theo quy định. Toàn tỉnh hiện có 6 trường phổ thông dân tộc bán trú và 11 trường Phổ thông dân tộc nội trú. Ngoài ra, ngành GD&ĐT đã thực hiện các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc ở cấp mầm non, tiểu học, dạy tiếng dân tộc cho giáo viên, học sinh.
Công tác xây dựng xã hội học tập đã tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho hàng chục nghìn người ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, học liên tục ở mọi lúc, mọi nơi, mọi cấp, mọi trình độ,… đã góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng nông thôn mới, là cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương trong toàn tỉnh.
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh ta tiếp tục đề ra các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là: Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong tỉnh. Tăng cường hỗ trợ phát triển giáo dục đối với các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách xã hội. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục. Đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục mầm non hướng tới mở trường, lớp tại các khu công nghiệp, các khu đô thị trên địa bàn phù hợp với tình hình cụ thể của tỉnh./.