DetailController

Thời sự trong ngày

Phát triển thương mại gắn kết lưu thông với sản xuất, liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa

26/12/2022 00:00
Năm 2022, tỉnh đã triển khai hiệu quả các chương trình, đề án thương mại; quan tâm phát triển thương mại tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Qua đó, hệ thống hạ tầng thương mại có sự biến chuyển phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội. Công tác kết nối cung cầu được thực hiện tốt, gắn kết lưu thông với sản xuất, góp phần đẩy mạnh liên kết trong chuỗi cung ứng hàng hóa giữa doanh nghiệp bán lẻ với các nhà sản xuất trong việc tạo nguồn hàng sản xuất trong tỉnh với giá cả cạnh tranh, bảo đảm đủ tiêu chuẩn chất lượng.
Các mặt hàng nông sản của huyện Mai Châu được trưng bày và giới thiệu tại Hội chợ Nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP vùng Trung du miền núi phía Bắc năm 2022.

Để quảng bá các sản phẩm nông sản, hàng hóa, tìm kiếm bạn hàng, kết nối đầu tư ra thị trường nước ngoài, tỉnh đã kết hợp xúc tiến truyền thống và xúc tiến thương mại hiện đại thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử. Trong năm, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại mời các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh tham dự Hội nghị Giao thương trực tuyến thực phẩm Việt Nam – Châu Phi, Việt Nam – Nhật Bản; Hội nghị xúc tiến thương mại và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam -Ấn Độ; Hội nghị giao thương thuỷ sản Việt Nam –EU; Hội chợ quốc tế Việt – Trung tại tỉnh Lạng Sơn… Chủ động kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài để hỗ trợ cho các doanh nghiệp của tỉnh gặp gỡ mở rộng thị trường xuất khẩu, như: Làm việc với Công ty Minegen Nhật Bản về xúc tiến sản xuất, chế biến, xuất khẩu măng sấy khô;  Công ty TOMAS TRADE COLTD của tỉnh Incheon, Hàn Quốc để xuất khẩu sản phẩm mía ăn tươi (mía trắng và mía tím) sang thị trường Hàn Quốc; tổ chức ký thỏa thuận hợp tác giữa Công ty cổ phần nông nghiệp hữu cơ FUSA với các Hợp tác xã để xuất khẩu sản phẩm Nhãn Sơn Thủy, bưởi Tân Lạc sang thị trường Châu Âu (EU). Đến nay đã có 14 cơ sở xuất khẩu nông sản sang các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Eu, Hà Lan, Đức, Anh, tăng 6 cơ sở so với năm 2021. Cung cấp thông tin khảo sát về phát triển nguồn nhân lực về sở hữu trí tuệ; cung cấp thông tin xây dựng ấn phẩm quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường EU tạo tiền đề, cơ sở thúc đẩy hoạt động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm thế mạnh, chủ lực của tỉnh ra nước ngoài trong tương lai.

Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỉnh đã xây dựng hệ thống bán hàng Việt trên địa bàn tỉnh, với 7 điểm có tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Các điểm bán hàng giúp người dân có cơ hội tiếp cận với các sản phẩm Việt Nam, chất lượng tốt, giá cả hợp lý, từng bước tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm nội địa. Hoạt động trên đã tạo sức hút để các doanh nghiệp quan tâm, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh hàng Việt đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân.

Ngoài ra, cơ quan chức năng tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các Sàn thương mại điện tử. Thực hiện quảng bá trên Cổng thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm tại địa chỉ:https://hb.check.net.vn. cho 78 doanh nghiệp, hợp tác xã với 401 sản phẩm tham gia. Hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Phối hợp với Sàn thương mại điện tử là Postmart.vn và Voso.vn để hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp đưa 2.853 sản phẩm nông sản và 98.901 tài khoản được đăng ký trên Sàn thương mại điện tử. Trong năm, cơ quan chức năng đã hỗ trợ 30 sản phẩm tiêu biểu của tỉnh được chứng nhận sản phẩm OCOP tham gia Hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm hàng hóa, đăng ký đầy đủ các thủ tục để đưa sản phẩm lên hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia, sẵn sàng kết nối khi hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia hoạt động. Tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng Sàn giao dịch thương mại điện tử www.hoabinhtrade.gov.vn. Các sản phẩm khi đưa lên phải cung cấp đầy đủ thông tin, tiêu chuẩn và đặc điểm. Khi đó, Sàn thương mại điện tử vừa phát triển thị trường, vừa bảo hộ các thương hiệu nông sản.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trạng thái bình thường mới, đã tạo đà tích cực cho sự phục hồi ngành thương mại, dịch vụ. Do đó, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tăng trưởng mạnh, trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 53.485 tỷ đồng, tăng 20,27% so với cùng kỳ năm trước, bằng 101,9% kế hoạch năm. Hoạt động sản xuất kinh doanh được khôi phục và phát triển, chuỗi cung ứng nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm tốt nên tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 1.437,2 triệu USD, nhập khẩu ước đạt 1.097,7 triệu USD./.