Anh Nguyễn Hải Mạnh tại xã Thung Nai, huyện Cao Phong gắn bó với nghề nuôi cá lồng từ năm 10 tuổi, khi gia định bắt đầu tham gia nuôi cá lồng ở lòng sông Đà. Từ nhỏ Mạnh lênh đênh sông nước, chỉ học hết cấp 2 nghỉ học và tiếp nuôi truyền thống nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà của gia đình, phương tiện di chuyển đi lại chỉ là chiếc thuyền nhỏ chèo đi lại giữa các điểm kết nối tại miền sông nước này. Sáng sớm thức dậy từ 4 giờ sáng chuẩn bị thức ăn cho cá, kiểm tra lồng cá xem có cá chết, rác vào ô nhiễm lồng hay không?, nếu có cá chất thì vớt lên để làm sạch môi trường, ngày nào cũng vậy mưa cũng như nắng đều phải chăm lo cho cá ăn đầy đủ.
Nghề nuôi cá không có gì quá đặc biệt, nhưng thời gian dành cho công lại chiếm rất nhiều, bởi ở giữa dòng nước mênh mông chảy xiết như ở sông Đà thì thường xuyên phải để mắt đến vì lỡ như có va chạm với thuyền di chuyển trên sông cũng có thể dẫn đến rách lồng và cá sẽ ra khỏi lồng. Với giá cá luôn duy trì ở mức ổn định như: Cá Lăng đen 100.000đ/kg, Cá lăng vàng 150.000đ/kg, Trắm đen có giá 150.000đ/kg (từ 7 kg trở xuống) và 200.000đ/kg (7 kg trở lên), Cá Chiên 400.000đ/kg..., sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh có lãi từ 300-350 triệu đồng. Tuy nhiên, để đầu tư làm lồng cá, anh Mạnh cho biết: “Chi phí mỗi lồng (có diện tích từ 16 - 25 m2) tầm khoảng 50 - 80 triệu đồng tùy vào vật liệu tốt hay bình thường”.
Theo anh Hà Văn Tuấn, một người dân tộc Thái, cũng từng nhiều năm gắn bó với nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ Sông Đà chia sẻ, nghề nuôi cá lồng phải thức khuya dậy sớm, phải dành toàn bộ thời gian với nó, phải chuẩn bị tốt thức ăn, kiểm tra cẩn thận lồng bè, nhất là lúc thời tiết có biến động, vào mùa mưa bảo thì vất vả hơn, vì nếu sơ suất có thể vỡ lồng cá sẽ ra đi và sẽ mất tất cả vốn liếng như chơi. Tuy nhiên Tuấn cho biết, nghề nuôi cá lồng hiện đang phát triển mạnh tại địa phương, đem lại sinh kế ổn định cho người dân tại các địa phương trong tỉnh Hòa Bình nói chung, huyện vùng cao Đà Bắc nói riêng, UBND tỉnh Hòa Bình cũng đã cho phép thành lập Hội Nghề cá huyện Đà Bắc.
Được biết, Hội nghề cá huyện Đà Bắc cũng từ đó ra đời, nhằm giúp cho các cá nhân, tổ chức, các hợp tác xã nuôi cá lồng ở địa phương này có thêm nhiều định hướng, nhiều mối liên kết, giúp người dân có thêm niềm tin và yên tâm đầu tư, phát triển kinh tế bằng nghề nuôi cá lồng trên hồ lòng Hòa Bình.
Với sự quyết tâm của tuổi trẻ, chăm chỉ, không ngừng nỗ lực, anh Quàng Văn Viêng, một người dân sống trên vùng sống nước này đã luôn tìm tòi, tích cực nghiên cứu áp dụng khoa học - kỹ thuật, học tập từ các mô hình trong và ngoài tỉnh, trau dồi kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng bệnh cho đàn cá của mình. Ngay cả những loại thức ăn của cá như cỏ voi, cây chuối, lá sắn hay ngô, gạo, đậu tương… cũng được anh Viêng tìm và chế biến một cách tỉ mỉ. Nhờ cách nuôi cá theo phương pháp truyền thống, sạch, an toàn, nên chất lượng thịt cá ngọt, săn chắc, được thị thường đón nhận. Sau hơn 5 năm hình thành và phát triển, cho đến nay, các sản phẩm cá do anh Viêng nuôi đã vượt qua nhiều khó khăn, từng bước phát triển và nâng cao thêm thu nhập cho gia đình. Những lồng cá lăng, cá rô phi, cá chép... đã được xuất bán, thu nhập bước đầu dần ổn định hơn so với trước đây. Từ chỉ 2 lồng cá lúc khởi nghiệp, đến nay anh Viêng đã phát triển lên gần 20 lồng cho thu nhập ổn định. Với giá ổn định từ 40.000 đồng/kg cá rô, 45.000 đồng/kg cá chép, 80.000 - 100.000 đồng/kg cá lăng; mỗi năm sau khi trừ chi phí từ giống, gia đình anh thu về khoảng từ 300 - 400 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, anh Quàng Văn Viêng còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá lồng cho nhiều người dân trên địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có rất nhiều mô hình khởi nghiệp thành công nhờ sự hướng dẫn của anh trong việc nuôi cá lồng giữa lòng sông Đà. Nói về dự định trong thời gian tới, anh Viềng cho biết, trước mắt trong năm nay gia đình anh sẽ tiếp tục chăm sóc những lồng cá hiện đang có. Đồng thời, đầu tư nuôi thêm 8 lồng cá mới để mở rộng quy mô nuôi cá thịt và cá giống, nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh Quàng Văn Viêng, là một tấm gương tiêu biểu để nhiều người trẻ ở địa phương học tập và noi theo. Tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương, anh Viêng đã mạnh dạn đầu tư và tìm hiểu kỹ thuật nuôi cá lồng, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nuôi cá lồng kết hợp với du lịch trải nghiệm đang là một xu hướng mới của người dân nơi đây, đã giúp nhiều hộ dân sống xung quanh lòng hồ thủy điện Hòa Bình nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Điển hình như ở xã Thung Nai, huyện Cao Phong (Hòa Bình), là một xã thuộc vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình với tổng diện tích 3.554 ha, trong đó diện tích mặt nước 856,02 ha. Khi Thuỷ điện Hòa Bình được xây dựng và tích trữ nước, Thung Nai trở thành hồ chứa nước khổng lồ. Những ngọn núi cao được bao quanh bởi nước, không khác gì những ốc đảo thu nhỏ, tạo nên một vẻ đẹp mê đắm lòng người. Nhận thấy lợi thế diện tích mặt nước rộng lớn, độ sâu lý tưởng, cùng với định hướng phát triển Thung Nai thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều du khách, Nhiều hộ dân nơi đây đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư sang nuôi cá lồng. Vừa tận dụng được lợi thế nguồn nước sạch vùng lòng hồ, vừa tạo ra sản phẩm sạch tại chỗ, cung cấp cho việc phát triển du lịch.
Ông Bùi Minh Kỷ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thung Nai cho biết: Trên địa bàn toàn xã hiện có 71 hộ nuôi cá lồng với 271 lồng cá các loại, tập trung tại xóm Mới và xóm Nai. Các hộ dân chủ yếu nuôi các loài cá đặc sản như: Trắm đen, Cá Lăng, Cá Chiên… Hàng năm, toàn xã cung cấp cho thị trường trung bình 100 tấn cá, 40 tấn tôm. Người nuôi cá lồng nơi đây tận dụng nguồn thức ăn sẵn có như: Cám gạo, ngô, các loại cá dại nhỏ, tôm tép, cỏ tự nhiên cho cá ăn. Ngoài ra, phòng dịch bệnh cho cá bằng cách sử dụng tỏi giã nát trộn với thức ăn. Vì vậy, cá được khách du lịch gần xa ưa chuộng vì độ thơm, ngon, chắc thịt khác hẳn với cá lồng được nuôi ở nơi khác.
Anh Nguyễn Hải Mạnh, một hộ dân điển hình về sự kết hợp giữa nuôi cá lồng và phát triển du lịch cho biết: Hiện anh có 25 lồng nuôi cá, trong đó có 19 lồng nuôi cá chiên, 6 lồng nuôi Trắm đen và Cá Lăng. Bên cạnh đó, anh còn mạnh dạn đầu tư 800 triệu đồng mua một thuyền chuyên chở khách du lịch đi thăm quan trải nghiệm vùng hồ Hòa Bình, đi câu, đi ngắm cảnh... Khách đi thăm quan thường xuất phát từ cảng Thung Nai, đi thăm đền Thác Bờ, điểm du lịch ở Ba Khan (huyện Mai Châu) hoặc Vầy Nưa (huyện Đà Bắc)… Sau đó, du khách ăn nghỉ trên thuyền hoặc ngay trên lồng bè nuôi cá, thưởng thức cá bắt trực tiếp từ dưới lồng nuôi. Anh Hải cho biết thêm: Nhiều vị khách sau khi trải nghiệm tỏ ra “nghiện” hương vị cá nơi đây, nên sau này vẫn gọi điện lên đặt hàng nhờ anh chuyển đến tận nhà. “Không phải đi đâu bán cá cả, chỉ phục vụ khách du lịch ăn uống thôi cũng không đủ cá rồi”...
Để phát triển thương hiệu "Cá sạch Thung Nai”, chính quyền địa phương đã tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối với các doanh nghiệp và siêu thị để hình thành thị trường tiêu thụ ổn định. Hỗ trợ các hộ nuôi cá, áp dụng công nghệ theo tiêu chuẩn VietGAP (hiện có 10 hộ tham gia). Ông Bùi Văn Thoa, Bí thư Đảng ủy xã Thung Nai cho biết: Trong những năm qua, nhờ nghề nuôi cá lồng kết hợp với làm du lịch nhiều hộ dân đã đổi đời, khấm khá hẳn lên./.