DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Phát triển sản xuất tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới

19/11/2015 00:00
Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là yếu tố quan trọng trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Xác định được điều đó, 5 năm qua, tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, giúp người dân tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.
Xã Ngọc Lương (huyện Yên Thủy) là đơn vị đi đầu toàn tỉnh về dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất và xây dựng NTM

Để thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng thu nhập ổn định cho cư dân nông thôn, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả để nhân rộng, ưu tiên phát triển sản phẩm hàng hóa chủ lực, khuyến khích liên kết, liên doanh theo phương châm “Doanh nghiệp hóa, liên kết hóa, xã hội hóa”; vừa đẩy mạnh phát triển các loại hình tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã... vừa quan tâm phát triển kinh tế hộ; thực hiện một bước “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, nên sản xuất đã có sự phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn trên tất cả các lĩnh vực; ruộng đồng được chỉnh trang theo quy hoạch, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới được chuyển giao, ứng dụng; nông dân được hướng dẫn kỹ thuật, tiếp cận ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thu hoạch và thị trường.

Trong 5 năm bằng các ngồn vốn hỗ trợ trực tiếp của Trung ương trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, nguồn ngân sách tỉnh, huyện, thành phố và các ngồn vốn lồng ghép từ các chương trình dự án được triển khai trên địa bàn tỉnh, các xã trong tỉnh thực hiện 1.314 mô hình phát triển sản xuất như mô hình trồng trọt, chăn nuôi, phát triển ngành nghề nông thôn, dồn điền đổi thửa phát triển sản xuất hàng hóa, phát triển trang trại... Trong đó đã có nhiều mô hình phát huy hiệu quả đem lại thu nhập hàng năm cao, ổn định, được nhân rộng điển hình như: Trồng rau hữu cơ, chăn nuôi bò sữa, nuôi lợn thương phẩm ở huyện Lương Sơn; dồn điền đổi thửa huyện Yên Thủy; chăn nuôi động vật hoang dã, phát triển cây có múi ở huyện Lạc Thủy, Kim Bôi, Cao Phong; nuôi trồng thủy sản ở huyện Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu.

Việc đưa máy móc hiện đại, tiên tiến nhằm cơ giới hóa trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch được quan tâm chỉ đạo. Cùng với nguồn lực của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân trong 5 năm qua toàn tỉnh đã hỗ trợ mua sắm 859 máy móc (gồm máy gặt đập, máy làm đất đa năng, máy bơm, phun nước,...); thực hiện cơ giới hóa trên 95% khâu làm đất, trên 50% khâu thu hoạch và đang tích cực đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu gieo cấy giúp cho việc giảm chi phí sản xuất, khắc phục tình trạng thiếu lao động ở những thời điểm có tính mùa vụ cao. Đến nay giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha diện tích đất sản xuất bình quân đạt trên 114 triệu đồng/ha (tăng 1,88 lần so với năm 2011). Bảo đảm an ninh lương thực, nông nghiệp ngày càng thể hiện vai trò “trụ đỡ” cho sự phát triển bền vững nền kinh tế - xã hội của tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có 321 Hợp tác xã, trong đó có 115 Hợp tác xã nông nghiệp, có những đóng góp tích cực trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm. Thông qua các hoạt động, các hợp tác xã đã khẳng định được vai trò quan trọng không chỉ với sản xuất kinh doanh, đời sống của xã viên mà còn là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở. Về Tổ hợp tác trong nông nghiệp, đến nay có 210 tổ hợp tác; 148 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 27/2011-BNNPTNT ngày 13/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó có 9 trang trại trồng trọt nông nghiệp; 13 trang trại Lâm nghiệp; 58 trang trại Chăn nuôi; 02 trang trại thủy sản; 66 trang trại tổng hợp. Kết quả, đến nay có 109/191 xã đạt tiêu chí số 13 (hình thức tổ chức sản xuất), tăng 92 xã so với năm 2011.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới tỉnh Hòa Bình tập trung vào xây dựng và thực thi cơ chế chính sách hiện đã có nhằm đẩy nhanh quá trình cơ giới hoá nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020 sản xuất nông nghiệp cơ bản được cơ giới hoá khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch và sơ chế ban đầu. Thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa hướng tới tích tụ ruộng đất, sản xuất hàng hóa lớn có hiệu quả và khả năng cạnh tranh sản phẩm cùng loại trên thị trường./.