DetailController

Trồng trọt

Phát triển sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

27/12/2023 15:12
Ngày 26/12/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 246/KH-UBND về Phát triển sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 diện tích gieo trồng hàng năm ổn định khoảng 12 nghìn ha, sản lượng trên 250 nghìn tấn/năm. Trên 95% số mẫu rau được thanh tra, kiểm tra đạt tiêu chuẩn an toàn. Tỷ lệ diện tích rau an toàn, tập trung, được cấp mã số vùng trồng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc chiếm khoảng 30% tổng diện tích gieo trồng. Tỷ lệ sản phẩm rau phục vụ chế biến, xuất khẩu chiếm 10% tổng sản lượng.

Định hướng phát triển sản xuất rau an toàn, tập trung đến năm 2030: Nhóm rau ăn lá (rau cải các loại, rau muống, rau ngót, rau mùng tơi, rau dền, bắp cải, susu...): Diện tích 5.500 - 6.000 ha/năm; tập trung tại TP Hòa Bình, Lương Sơn, Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Sơn, Mai Châu. Phục vụ nhu cầu tiêu thụ rau tại chỗ, thị trường TP Hà Nội và các tỉnh lân cận. Nhóm rau ăn quả, ăn củ (bí xanh, dưa chuột, bí đỏ, mướp đắng, su hào, khoai tây, ớt cay, ...): Diện tích 5.000 - 5.500 ha/năm; tập trung tại Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Thủy, Lạc Sơn, Tân Lạc. Phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại Thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; phục vụ nhà máy chế biến; phần còn lại được tiêu thụ trong tỉnh. Ưu tiên liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Nhóm rau khác (rau họ đậu, nhóm rau gia vị, nhóm rau bản địa, nhóm dưa lấy quả...): Diện tích 1.500 - 2.000 ha/năm, phân bố trên địa bàn các huyện, thành phố phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ.

Định hướng phát triển vùng sản xuất phục vụ chế biến đến năm 2030: Vùng nguyên liệu phục vụ các cơ sở chế biến hiện có trong và ngoài tỉnh (Công ty Pacific - TP Hòa Bình; Công ty Hagimex - tỉnh Hà Nam; Công ty Đồng Giao - tỉnh Ninh Bình, Sơn La...) và định hướng cho một số nhà máy, cơ sở chế biến triển khai mới tại huyện các Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Sơn, Lạc Thủy. Các loại rau được ưu tiên gồm: Dưa chuột, bí đỏ, rau họ đậu, ngô ngọt, ớt cay, khoai tây, cải các loại...  

Các nhiệm vụ gồm: Về tổ chức sản xuất: Các huyện, thành phố xác định quy mô sản xuất rau tập trung trên địa bàn phù hợp với Quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp của địa phương. Ưu tiên dồn điền đổi thửa, tận dụng hạ tầng sẵn có trên đất trồng lúa nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng để hình thành vùng sản xuất rau tập trung; tăng cường sản xuất rau vụ Đông, tận dụng diện tích đất bưa bãi để thâm canh tăng diện tích gieo trồng. Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp định hướng quy mô vùng trồng rau, ưu tiên tại các vùng tập trung; thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất rau từ xây dựng vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện đồng bộ giải pháp hỗ trợ phát triển Hợp tác xã, nâng cao năng lực cho các thành viên Hợp tác xã sản xuất rau an toàn để xây dựng mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với hộ sản xuất rau. Đối với hộ gia đình sản xuất rau, cần liên kết với doanh nghiệp thông qua Hợp tác xã và Tổ hợp tác để sản xuất rau tại các vùng tập trung, gắn với tiêu thụ sản phẩm; xây dựng mã số vùng trồng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc; tham gia các khóa đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ về quy trình sản xuất rau an toàn, sơ chế, bảo quản rau,....

Về khoa học công nghệ: Đầu tư phục tráng, lưu giữ nguồn gen các giống rau đặc sản, rau bản địa của địa phương; áp dụng trong sản xuất các giống rau mới, các giống lai F1 (bí xanh, bí đỏ, cải bắp, cà chua, dưa chuột, ớt cay...) có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo hướng ứng dụng công nghệ cao, bền vững; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật sinh học; hạn chế sử dụng hóa chất vô cơ; chuyển giao quy trình sản xuất rau an toàn vào thực tiễn sản xuất. Nghiên cứu, cập nhật dự báo thị trường tiêu thụ các sản phẩm rau; hỗ trợ áp dụng, chuyển giao công nghệ mới trong sơ chế, bảo quản, chế biến rau. Thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin thúc đẩy chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc trong sản xuất rau an toàn,...

Về thị trường tiêu thụ: Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, Hợp tác xã và hộ gia đình xây dựng thương hiệu sản phẩm rau an toàn, gắn với mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý, chứng nhận nhãn hiệu; đa dạng hóa các kênh phân phối rau an toàn, hỗ trợ kết nối các chợ đầu mối, sàn giao dịch; đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, triển lãm, quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm rau của tỉnh. Đối với chế biến phục vụ thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến phù hợp với điều kiện của tỉnh. Chủ động kết nối, xúc tiến thương mại một số thị trường như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, thị trường Halal...

Về quản lý nhà nước: Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách liên quan đến phát triển sản xuất rau an toàn: Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ phát triển Hợp tác xã,.… Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành chính sách mới hỗ trợ phát triển rau tập trung, an toàn; chính sách hỗ trợ áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất rau an toàn, xây dựng mã số vùng trồng, chuyển đổi số trong sản xuất rau an toàn,....Thường xuyên thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư đầu vào phục vụ sản xuất (thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chất kích thích sinh trưởng, giống, chất bảo quản,....); nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng các sản phẩm rau. Quản lý chặt chẽ các yếu tố gây ô nhiễm đất, nguồn nước tưới cho các vùng sản xuất rau an toàn,....

Về đầu tư tăng cường năng lực: Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất rau theo hướng xã hội hóa, chủ yếu là vốn của doanh nghiệp và người dân. Các hộ gia đình đầu tư hình thành vùng sản xuất rau tập trung. Hợp tác xã, Tổ hợp tác liên kết với các hộ gia đình và doanh nghiệp đầu tư cơ sở sơ chế, bảo quản rau. Doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, cơ sở sơ chế, nhà máy chế biến, thương hiệu sản phẩm rau,.... Ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất rau theo quy định của pháp luật để thực hiện các nhiệm vụ: Xây dựng cơ chế, chính sách; nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực, ưu tiên nguồn nhân lực sản xuất rau an toàn; cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo, nghiên cứu sản xuất, chế biến rau; hạ tầng vùng sản xuất rau tập trung: giao thông, thủy lợi, điện,.…; chợ đầu mối, sàn giao dịch,…; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ,....

Về hỗ trợ, hợp tác phát triển sản xuất: Tăng cường đề xuất sự hỗ trợ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Cục chuyên ngành; tăng cường hợp tác với các Viện, trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế về phát triển sản xuất rau như: Áp dụng sản xuất đại trà các giống rau mới, các giống lai có năng suất, chất lượng cao; xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất rau an toàn đáp ứng các điều kiện xuất khẩu; quản trị chuỗi sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến rau; quản lý các yếu tố gây ô nhiễm nguồn nước và đất trồng rau; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm rau,....

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, các huyện, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch; đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Đồng thời chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai các nội dung công việc theo lĩnh vực được phân công. Hỗ trợ, xây dựng và quản lý mã số vùng trồng, mã số mã số cơ sở đóng gói; mở rộng vùng sản xuất rau tập trung theo chuỗi giá trị đảm bảo chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc; xây dựng, phát triển các chuỗi sản xuất rau an toàn được đánh giá chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn hữu cơ; hỗ trợ các doanh nghiệp, Hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia các chương trình xúc tiến thương mai, quảng bá sản phẩm; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm; tem truy suất nguồn gốc, bao bì sản phẩm.

Tổ chức phổ biến, cập nhật kịp thời qui định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, thông tin thị trường về chất lượng, an toàn thực phẩm tại Việt Nam và nước xuất khẩu. Phổ biến danh mục thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng được phép lưu hành đảm bảo an toàn, phù hợp với các yêu cầu của các nước nhập khẩu rau.

Phối hợp với các Sở, Ban, ngành và các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực quản lý sản xuất và chế biến rau, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, an toàn các sản phẩm rau của tỉnh. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, Hội Nông dân tỉnh, hướng dẫn hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm rau của tỉnh; tích cực tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ. Chủ trì, phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chất kích thích sinh trưởng; kiểm tra giám sát các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến rau; kiểm tra chất lượng sản phẩm rau, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Chủ trì, phối hợp xây dựng, đề xuất chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển sản xuất rau toàn trên địa bàn tỉnh./.