Trong giai đoạn qua sản xuất công nghiệp trên địa bàn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, một số ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp có lợi thế so sánh tiếp tục phát triển, nhiều sản phẩm công nghiệp có số lượng tăng cao. Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm bình quân ước đạt 10,5%/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân ước đạt 16,4%. Năng lực sản xuất công nghiệp được nâng cao và phát triển nhanh trong các ngành chế tạo điện tử, máy móc, cơ khí, may mặc, khoáng sản, thức ăn gia súc, chế biến nông, lâm sản, thực phẩm…đến năm 2020, một số ngành tăng lên đáng kể như: Sản phẩm may mặc ước đạt 259.560 triệu sản phẩm, tăng 203%; ngành sản xuất linh kiện điện tử ước đạt 2.025 triệu sản phẩm, tăng 116% so với mục tiêu kế hoạch 2016 – 2020. Sản lượng sản xuất thực tế cũng đạt giá trị cao tương ứng. Hệ thống lưới điện cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, hiện nay tỉnh Hòa Bình đang được cấp điện tử 08 TBA 110KV/13 máy với tổng dung lượng 356 MVA.
Đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 334 dự án sản xuất công nghiệp, trong đó có 138 dự án đã đi vào sản xuất kinh doanh, riêng trong các khu công nghiệp có 89 dự án, trong đó có 50 dự án đã đi vào sản xuất kinh doanh, chiếm tỷ lệ 62%; trong các cụm công nghiệp có 13 dự án, trong đó có 6 dự án đi vào hoạt động sản xuất.
Trên địa bàn tỉnh có 93 điểm mỏ khoáng sản được cấp giấy phép khai thác còn hiệu lực. Hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh khá sôi động. Tỉnh có nguồn tài nguyên phong phú, ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Sản phẩm công nghiệp ngày càng phong phú, đa dạng, bước đầu đã hình thành một số sản phẩm chủ lực chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp như: Điện sản xuất, sản phẩm may mặc, xi măng, linh kiện thiết bị điện, điện tử…Các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp phát triển đa dạng với trên 30 loại sản phẩm như dệt thổ cẩm, chiếu tre và sản phẩm mỹ nghệ từ nguyên liệu tre luồng, may tre đan xuất khẩu, thêu truyền thống, gốm sứ nghệ thuật, mành tăm xuất khẩu, đũa tre, chế tác đá cảnh, dệt len, mộc, chạm khảm….
Tuy nhiên, công tác thu hút đầu tư chưa thực sự hiệu quả, chưa khai thác được tiềm năng lợi thế của địa phương, chất lượng lao động còn thấp, trình độ tay nghề chưa cao. Số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ lẻ, sản phẩm chưa tạo được sức cạnh tranh trên thị trường, chủ yếu mới phân phối ở trong nước, một số ngành công nghiệp phát triển chưa vững mạnh và chưa có nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao, còn sử dụng nhiều tài nguyên và lao động. Hoạt động đầu tư, nghiên cứu khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp còn chậm.
Để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thực sự trở thành động lực của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và hiệu quả, làm động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 9%/năm; đến năm 2025, diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp khoảng 4.600 ha (1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh); tỷ trọng công nghiệp – xây dựng trong cơ cấu kinh tế tỉnh đạt 54%; tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,9%. Tỉnh chủ trương tập trung phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, trọng tâm là công nghiệp hỗ trợ chế biến khoáng sản, chế biến nông lâm sản, vật liệu xây dựng, công nghiệp cơ khí, thiết bị điện, điện tử, trên cơ sở phát triển các khu chế biến và các vùng nguyên liệu phụ trợ, các khu, cụm công nghiệp; phát triển công nghiệp điện năng ứng dụng công nghệ mới, sản xuất xanh, tiêu hao ít nhiên liệu, hiệu suất cao. Tập trung thu hút các dự án lớn. Khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp có ứng dụng sử dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Tập trung huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, hệ thống xử lý nước thải tập trung; hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp. Tăng cường và đổi mới các hoạt động xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên. Quan tâm đầu tư phát triển lưới điện để đảm bảo chất lượng và đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt tại các khu, cụm công nghiệp. Quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác và xuất khẩu khoáng sản; tăng cường kiểm tra, xử lý theo quy định đối với các cơ sở chế biến, sử dụng khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, các cơ sở chế biến khoáng sản có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường./.