DetailController

Giáo dục

Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá

27/09/2022 00:00
Đội ngũ nhà giáo là một bộ phận của đội ngũ trí thức, vì vậy xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, then chốt trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển giáo dục. Đội ngũ nhà giáo của tỉnh đã có sự phát triển và đạt được những kết quả nhất định, trình độ đào tạo đạt chuẩn, trên chuẩn ngày càng được nâng lên. Toàn ngành Giáo dục và Đào tạo hiện có 17.293 cán bộ quản lý, giáo viên, trong đó 04 người có trình độ đào tạo Tiến sĩ, 419 Thạc sĩ, 13.550 Đại học, còn lại là cao đẳng và trung cấp (hiện nay đang đi đào tạo nâng trình độ chuẩn theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở). 49 cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ Cao cấp lý luận chính trị, 1.245 cán bộ quản lý, giáo viên trình độ trung cấp lý luận chính trị.
UBND tỉnh tặng Bằng khen cho các cán bộ quản lý, giáo viên có thành tích nổi bật trong sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo

Những năm qua, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ngày càng phát triển cả về chất và lượng; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng được nâng cao, phần lớn tận tuỵ với nghề, có ý thức phấn đấu vươn lên, tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực tự học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có ý thức phấn đấu, rèn luyện về tư tưởng chính trị, tu dưỡng về đạo đức, bản lĩnh chính trị, tu dưỡng về đạo đức, trưởng thành trong công tác, năng động, sáng tạo trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục luôn được quan tâm, đa số nhà giáo đều có ý thức đi đào tạo nâng cao trình độ, được tham gia các khoá bồi dưỡng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ nên cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới công tác giảng dạy quản lý.

Thực hiện phổ cập giáo dục, xoá mù chữ ở các vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số luôn được duy trì, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tích cực tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác phổ cập giáo dục, xoá mùa chữ. Trong 3 năm gần đây, toàn tỉnh huy động mở được 9 lớp xoá mù chữ với 435 học viên là người dân tộc thiểu số ở các xã Hang Kia, Pà Cò của huyện Mai Châu, xã Nánh Nghề huyện Đà Bắc, xã Suối Hoa huyện Tân Lạc. Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục có những bước tiễn rõ rệt, học sinh tỉnh Hoà Bình đạt được những thành tích đáng kể trong các cuộc thi quốc gia, khu vực và quốc tế, kết quả đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của của đội ngũ trí thức ngành Giáo dục và Đào tạo.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục quán triệt sâu rộng việc xây dựng đội ngũ trí thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, bảo đảm chỉ tiêu trên 90% số giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn đang được đào tạo hoặc hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; 70% số giáo viên tiểu học chưa đạt chuẩn đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân; 70% số giáo viên trung học cơ sở đạt chuẩn đang được đào tạo hoặc hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân. Đến năm 2030, bảo đảm 100% số giáo viên chưa đạt chuẩn đối với cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở hoàn thành chương trình đào tạo nâng trình độ chuẩn được đào tạo. Bố trí, sắp xếp đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng và đồng bộ về cơ cấu. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đổi mới công tác quản lý nhà nước về biên chế, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên./.