DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên địa bàn tỉnh

08/05/2023 16:00
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, BCH Đảng bộ tỉnh xác định phát triển trên 4 trụ cột, trong đó nông nghiệp được xác định là nền tảng nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh với các loại cây, con bản địa để cung cấp lương thực, thực phẩm cho thị trường các tỉnh, thành phố, nhất là vùng Thủ đô và vươn tới xuất khẩu. Do đó, tình hình sản xuất nông nghiệp, phát triển nông dân và nông thôn của tỉnh được quan tâm đặc biệt.
Kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn từng bước được đầu tư nâng cấp, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân

Thời gian qua, nền nông nghiệp của tỉnh được tập trung phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với xây dựng nông thôn mới, tăng trưởng giá trị bình quân 5 năm (từ 2018-2023) ngành nông nghiệp đạt khoảng 4,1%/năm. Các Nghị quyết, Đề án chuyên đề, chính sách phát triển sản phẩm lợi thế được cụ thể hoá thực hiện có hiệu quả. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, lâm nghiệp và thuỷ sản. Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi từ cây kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế cao. Trong 5 năm qua đã chuyển đổi được trên 10 nghìn ha đất trồng lúa, cây màu kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Mở rộng diện tích nhóm cây ăn quả có múi, mía ăn tươi, rau an toàn... trong đó nhóm cây ăn quả có múi tăng từ 7,5 nghìn ha năm 2018 lên trên 10 nghìn ha vào cuối năm 2022 .

Mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn, liên kết sản xuất bước đầu được thực hiện. Chăn nuôi phát triển cả về số lượng và chất lượng; tập trung phát triển 5 loài vật nuôi lợi thế là: Trâu, bò, lợn, dê, gia cầm theo mô hình trang trại; công tác vệ sinh thú y, phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được quan tâm thực hiện. Lâm nghiệp phát triển theo hướng tăng diện tích trồng cây gỗ lớn, cây bản địa; diện tích trồng rừng hằng năm đều vượt kế hoạch đề ra; công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng được tăng cường; các hoạt động buôn bán, vận chuyển lâm sản được kiểm soát chặt chẽ. Nuôi trồng thủy sản phát triển khá nhanh; các chỉ tiêu về diện tích nuôi trồng, sản lượng khai thác, giá trị ngành thủy sản năm sau cao hơn năm trước; một số loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao được đưa vào nuôi trồng, thu được kết quả cao như: Cá trắm đen, cá lăng, cá tầm, cá dầm xanh, cá chiên,... Nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cá đặc sản sông Đà theo chuỗi giá trị được xây dựng thành công và ngày càng phát triển.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển theo hướng hàng hóa, toàn tỉnh đã có 123 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao; 147 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản có chứng nhận VietGAP, tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ với trên 100 chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn, góp phần tạo liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và doanh nghiệp để sản xuất hàng hóa gắn với thị trường; đã có 15 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác có sản phẩm nông sản xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, EU, Hà Lan, Đức. Các sản phẩm chế biến từ ngũ cốc, rau, củ, quả, măng, sắn, nông sản tươi (mía, chuối, nhãn, bưởi, cam... ).

Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu vực nông thôn từng bước được đầu tư nâng cấp, đáp ứng yêu cầu phát triển; công tác an sinh xã hội được quan tâm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đến hết năm 2022 toàn tỉnh có 73/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 56,6%; bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 16 tiêu chí/xã và không có xã dưới 10 tiêu chí; có 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 60 khu dân cư kiểu mẫu; 174 vườn mẫu; Thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018, huyện Lương Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, huyện Lạc Thủy đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Cùng với đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng lên. Hiện nay, số lượng dân số sống ở nông thôn trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 67%, trong đó chủ yếu là nông dân. Quá trình đô thị hoá đã dẫn tới sự chuyển dịch cơ cấu lao động mạnh mẽ, tích cực từ nông nghiệp sang các lĩnh vực khác (công nghiệp, dịch vụ…)  nên tỷ lệ lao động nông nghiệp đã giảm khoảng 10% từ 2018 đến nay. Thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án về đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân như: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Phong trào “cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ xây dựng mô hình liên kết sản xuất hàng hoá tập trung; hỗ trợ giảm nghèo bền vững cho huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao…Nhờ đó diện mạo nông thôn và đời sống người dân nông thôn ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm khoảng 3%/năm (năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo còn 12,29%)./.