Thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU, ngày 09/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt Trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã nghiêm túc tổ chức quán triệt, nghiên cứu, học tập và tuyên truyền phổ biến các nội dung cơ bản của Đề án số 03-ĐA/TU đến toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh bằng nhiều hình thức đa dạng, đảm bảo phù hợp với các đối tượng tuyên truyền. Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến đã tạo được sự thống nhất về nhận thức và hành động trong hệ thống chính trị và Nhân dân góp phần triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án số 03-ĐA/TU.
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường tiêu thụ, bảo vệ môi trường sinh thái, đồng bộ với thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; ngành nông nghiệp đã chú trọng hướng dẫn, chỉ đạo sản xuất theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; phát huy lợi thế của mỗi tiểu vùng để tiếp tục phát triển các vùng chuyên canh tập trung. Việc đẩy mạnh kỹ thuật thâm canh, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng các nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh, góp phần tăng giá trị thu nhập và hiệu quả cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác trồng trọt tăng dần (năm 2021 là 135 triệu đồng/ha đến năm 2023 khoảng 185 triệu đồng/ha); giá trị sản phẩm chủ lực trung bình trên diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản đến năm 2024 bình quân đạt 220 triệu đồng/ha; giá trị thu nhập từ rừng cũng tăng lên đáng kể. Cụ thể các lĩnh vực như sau:
Về trồng trọt: Tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm bình quân đạt trên 117 nghìn ha, trong đó cây lương thực có hạt bình quân đạt 71 nghìn ha, sản lượng lương thực có hạt bình quân đạt trên 36 vạn tấn; giá trị sản phẩm trung bình trên đơn vị diện tích đất canh tác trồng trọt tăng dần đều hằng năm.
Chăn nuôi: Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 479.522 con lợn, 109.863 con trâu, 91.655 con bò và 8.886 nghìn con gia cầm. Có 41 trang trại chăn nuôi lợn nái, lợn hậu bị và lợn thịt quy mô từ 300-3.000 con với tổng số 20.700 con lợn nái cung cấp khoảng 207 nghìn con giống/lứa, 517,5 nghìn con giống/năm, 44.680 con lợn thịt và hậu bị, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 8.042 tấn/năm; 03 trang trại chăn nuôi bò của Công ty T&T 159 quy mô 500-7000 con bò thịt và bò cái sinh sản, số con xuất chuồng là 12.750 con/năm, với sản lượng thịt hơi 7.018 tấn; 71 trang trại chăn nuôi gia cầm (59 trang trại chăn nuôi gia cầm thương phẩm quy mô lớn từ 3.000-50.000 con/chuồng/lứa sản xuất được 2.484.000 con/ năm, với sản lượng thịt hơi khoảng 27.500tấn/năm; 07 trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm quy mô 5.000-70.000 con sản xuất được hơn 24 triệu quả trứng/năm; 05 cơ sở chăn nuôi gà giống quy mô từ 10.000-170.000 con, cung cấp khoảng 25 triệu con gà giống/năm và 16,8 triệu quả trứng giống/năm).
Thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng tăng tỷ trọng sản lượng nuôi lồng và kết hợp nuôi trồng trên các hồ thủy lợi, thủy điện. Phát triển nuôi cá lồng trên các thủy vực lớn, đặc biệt là hồ thủy điện Hòa Bình với các loài cá đặc sản có chất lượng, giá trị cao; ứng dụng công nghệ nuôi trồng cải tiến và từng bước nâng cấp các cơ sở sản xuất giống thuỷ sản. Hằng năm, xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thả cá giống vào các vùng nước tự nhiên với một số loài cá không có khả năng sinh sản tự nhiên trong ao hồ; nhằm tái tạo nguồn lợi, tăng sản lượng khai thác. Hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, mô hình đồng quản lý nghề cá trên lưu vực hồ thủy điện Hòa Bình được thực hiện đã giúp khai thác hiệu quả và bền vững nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản hiện có 2.693 ha và 4,89 nghìn lồng cá nuôi; sản lượng thủy sản bình quân đạt 12,17 nghìn tấn/năm; giá trị sản phẩm trung bình trên diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản bình quân đạt 220 triệu đồng/ha, trong đó nhóm sản phẩm đặc sản (cá lăng, cá bỗng, cá trắm đen...) đạt trên 250 triệu đồng/ha; có 09 sản phẩm OCOP được chứng nhận 3 sao trở lên.
Công tác trồng rừng, bảo vệ rừng được quan tâm, diện tích trồng rừng hằng năm đều vượt kế hoạch đề ra; lâm nghiệp được phát triển theo hướng tăng diện tích trồng cây gỗ lớn, cây bản địa; diện tích trồng rừng bình quân hằng năm đạt trên 8 nghìn ha; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định trên 51,5%.
Bên cạnh việc thúc đẩy sản xuất các sản phẩm chủ lực thì hoạt động sơ chế, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm cũng được chú trọng, góp phần nâng cao chất lượng và tăng giá trị của nông sản trên địa bàn. Đến nay trên địa bàn tỉnh có có 638 cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản với sản lượng trung bình đạt 43.286,47 tấn, đạt 17,74% so với tổng sản lượng sản phẩm nông lâm thủy sản trên toàn tỉnh, trong đó có 42 cơ sở sơ chế, chế biến có nguồn gốc thực vật, 591 cơ sở sơ chế, chế biến có nguồn gốc động vật, 149 cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến lâm sản và 05 cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản.
Bên cạnh đó, nông dân đã phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, tham gia hợp tác, liên kết, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn dân, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực, tăng tỉ trọng kinh tế công nghiệp và dịch vụ; thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn không ngừng được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo giảm, số hộ khá và giàu tăng; diện mạo nông thôn có sự thay đổi rõ rệt; niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta ngày càng được củng cố, nâng cao./.