Định hướng đến năm 2020, tỉnh ta có 08 KCN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch các KCN Việt Nam. Đến nay, diện tích được quy hoạch tại các KCN đã đạt 737 ha. Các doanh nghiệp tập trung vào lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như lắp ráp điện tử, may mặc, giày da, chế biến lương thực, thực phẩm... Chính vì vậy, các giải pháp tạo việc làm và phát triển nguồn nhân lực đều nhằm vào định hướng này.
Trước hết, đó là việc xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi tuyển dụng, sử dụng lao động trong doanh nghiệp tại các KCN. Hiện, Ban quản lý các KCN tỉnh đã hoàn thiện dự thảo lấy ý kiến của các sở ngành về ưu đãi tuyển dụng, sử dụng lao động tại chỗ và hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động. Dự thảo đã được trình UBND tỉnh và phê duyệt xong dự kiến trong năm 2016.
Nhằm nâng cao chất lượng lao động, giúp người lao động gắn bó và yên tâm công tác, Ban quản lý các KCN tỉnh thành lập và tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho công nhân các KCN. Qua đó, thu hút gần 2,4 nghìn người tham gia vào năm 2014. Con số này tăng lên 5,3 nghìn người năm 2015. Điều này chứng tỏ sự hưởng ứng mạnh mẽ của lực lượng lao động trong việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm về vấn đề an toàn lao động và vệ sinh lao động trong sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng lao động nói chung. Ngoài ra, lực lượng lao động tại các KCN còn được trang bị kiến thức pháp luật nhằm bảo đảm quyền và nghĩa vụ của mình. Nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động xoay quanh Bộ luật Lao động, BHYT, BHXH; Luật phòng cháy chữa cháy và diễn tập phương án chữa cháy tại các KCN. Số lượng công nhân được phổ biến kiến thức pháp luật tăng qua các năm, từ trên 500 công nhân năm 2013 lên 1.500 công nhân năm 2015.
Với đối tượng lao động dôi dư tại các địa phương, Ban quản lý các KCN phối hợp với sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và địa phương tập trung đào tạo nghề theo năng lực và nhu cầu. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền và giới thiệu việc làm qua sàn giao dịch việc làm tỉnh. Qua đó, giúp người lao động nắm bắt được tình hình cũng như dự báo nhu cầu việc làm trong tương lai. Riêng trong năm 2015 đã mở 6 phiên giao dịch di động tại các cụm xã, thị trấn; 3 phiên giao dịch online kết nối trực tiếp với 8 tỉnh, thành phố, tạo cơ hội cho người lao động tìm việc làm phù hợp khả năng tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Thông qua sàn giao dịch đã có 658 lao động được tuyển dụng trực tiếp, 958 lao động được các doanh nghiệp hẹn phỏng vấn và 3.729 lao động được tư vấn về việc làm và học nghề. Ngoài ra còn tổ chức hội thảo tư vấn việc làm tại các xã, phường, thị trấn cho trên 4.000 lao động.
Giai đoạn 2011 – 2015, tình hình giải quyết việc làm cho người lao động trong các KCN có chuyển biến rõ nét: tăng từ trên 3.000 lao động năm 2011 lên 13,2 nghìn người năm 2015. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 137% năm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực với gần 2,8% lao động trong ngành nông - lâm nghiệp chuyển sang làm việc ở khu vực phi nông nghiệp. Bên cạnh kết quả đạt được còn những khó khăn nhất định. Người lao động được tuyển dụng vào doanh nghiệp phải đào tạo lại chiếm tỷ lệ cao. Trong khi trên địa bàn tỉnh ta chưa có KCN nào có chương trình đào tạo lao động riêng. Doanh nghiệp do đó phải tự đào tạo với chi phí lớn, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư. Vì vậy, để phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới, cần tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nghề gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; tăng cường công tác dự báo cung, cầu lao động đảm bảo sát thực tế; chú trọng chính sách thu hút người lao động như xây dựng nhà ở cho người lao động trong KCN, đầu tư hạ tầng xã hội và các thiết chế văn hoá phục vụ giải trí cho công nhân; phát triển các tổ chức xã hội chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động trong các KCN.