DetailController

Tin từ các đơn vị

Phát triển nghề Dệt thổ cẩm kết hợp giữ gìn bản sắc dân tộc tại huyện Mai Châu

16/11/2023 19:01
Để khôi phục nghề Dệt truyền thống của dân tộc Thái tại huyện Mai Châu, được sự đồng hành, hỗ trợ của Dự án Jica của Nhật Bản với mục tiêu "Nâng cao năng lực phát triển ngành nghề nông thôn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn tỉnh Hòa Bình”. Từ năm 2009, Hợp tác xã (HTX) Dệt thổ cẩm và Dịch vụ du lịch Chiềng Châu, tại xã Chiềng Châu được thành lập. Từ đó, người dân có thêm đòn bẩy phát triển nghề Dệt thổ cẩm kết hợp giữ gìn bản sắc dân tộc theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Khôi phục nghề Dệt truyền thống của dân tộc Thái, vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nữ người dân tộc thiểu số tại xã Chiềng Châu

Đến năm 2013, HTX Dệt thổ cẩm và Dịch vụ du lịch Chiềng Châu đã đăng ký thành lập chính thức theo Luật Hợp tác xã, theo bà Vì Thị Oanh, Phó Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm và Dịch vụ du lịch Chiềng Châu cho biết: Phát triển nghề Dệt vừa tạo việc làm cho người dân, vừa giữ gìn được hồn cốt, bản sắc của dân tộc, gắn với quảng bá sản phẩm truyền thống địa phương, HTX đã cùng chị em trong tổ dệt nỗ lực lao động, tận dụng lợi thế từ du lịch trên địa bàn xã, từ đó sản xuất ra nhiều sản phẩm thổ cẩm dân tộc để trưng bày, giới thiệu và quảng bá với du khách trong và ngoài nước. Sau thời gian hoạt động hiệu quả, HTX đã mở rộng quy mô sản xuất với nhiều khung dệt truyền thống và máy khâu, tạo việc làm cho hàng chục lao động, thu nhập bình quân từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm thổ cẩm của HTX ngày càng phong phú, đa dạng. Không đơn thuần là những bộ trang phục dân tộc, chị em dân tộc Thái đã tạo ra nhiều loại phụ kiện từ thổ cẩm như: Túi, ví, mũ, thú bông, móc khóa... Các sản phẩm thổ cẩm từ Chiềng Châu ngày càng đến với nhiều nơi, được nhiều người biết đến, đặc biệt là cả khách hàng nước ngoài thông qua những lần giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong cả nước.

Theo Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW, ngày 5/8/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam và Hướng dẫn số 205-HD/HNDTW, ngày 10/7/2020 của BCH T.Ư HND Việt Nam về việc hướng dẫn quy trình thành lập và tổ chức hoạt động của Chi HND nghề nghiệp, tổ HND nghề nghiệp, từ tháng 10/2021, Ban Quản trị HTX Dệt thổ cẩm và Dịch vụ du lịch Chiềng Châu đã phối hợp với HND xã, Chi ủy Chi bộ và Chi HND xóm Chiềng Châu khảo sát xây dựng Tổ hội nghề nghiệp "Tổ dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Thái” tại HTX. Mục tiêu chủ yếu là phát huy tiềm lực sẵn có, tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa các hội viên có cùng đam mê về nghề dệt truyền thống được thế hệ xưa để lại, vừa khôi phục nghề, vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nữ người dân tộc thiểu số tại địa phương. Sau 2 năm hoạt động, Tổ dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Thái của HTX Dệt thổ cẩm và Dịch vụ du lịch Chiềng Châu đã có 10 thành viên tham gia, trong đó Ban Quản lý tổ có 3 thành viên. Các thành viên được nâng cao tay nghề dệt, học tập kinh nghiệm, góp phần nâng cao năng suất lao động, đáp ứng nhu cầu các đơn đặt hàng của khách hàng trong và ngoài nước. Quan trọng nhất, hoạt động tại tổ dệt giúp chị em có nguồn thu nhập ổn định, từng bước cải thiện cuộc sống.

Theo ông Phạm Thế Anh, Chủ tịch HND huyện Mai Châu cho biết: HTX Dệt thổ cẩm và Dịch vụ du lịch Chiềng Châu cùng các thành viên đã gìn giữ và phát huy được ngành nghề truyền thống của dân tộc mình. Hoạt động sản xuất của HTX giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nữ dân tộc thiểu số... Thời gian tới, HND huyện tiếp tục quan tâm, đồng hành với HTX trong các hoạt động quảng bá hình ảnh về mô hình tổ hội nghề dệt thổ cẩm truyền thống qua các hội chợ, triển lãm, báo chí và trên các trang mạng xã hội; phát triển và kết nạp hội viên nông dân vào tổ hội, nhân rộng mô hình kết hợp với các mô hình khác để đưa sản phẩm do tổ hội sản xuất ra thị trường trong và ngoài nước... Qua đó, tạo động lực giúp HTX phát triển, tiếp tục phát huy hiệu quả trong việc gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và tạo sinh kế cho lao động nữ./.