Trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ngành đã phổ biến và nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của cấp trên về phòng chống dịch. Thực hiện báo cáo tình hình ảnh hưởng và chỉ đạo việc phát triển sản xuất trong điều kiện dịch Covid-19. Nhờ đó, các hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn diễn ra thuận lợi đạt năng suất cao và được giá.
Trong lĩnh vực trồng trọt, giá trị sản xuất ước đạt 2,6 tỷ đồng, vượt 4,4% so với cùng kỳ năm 2019. Ngành Nông nghiệp chủ trương tăng diện tích gieo trồng và chuyển đổi cơ cấu các loại cây nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, định hướng chuyển đổi sang loại cây có giá trị kinh tế cao. Theo thống kê từ đầu năm tới nay, cả tỉnh đã chuyển đổi được 1,84 nghìn ha trồng lúa sang trồng các cây: ngô, rau đậu, mía, cây hàng năm và kết hợp nuôi trồng thủy sản. Việc chuyển đổi được thực hiện đúng quy định pháp luật. Nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong sản xuất hình thành và có kết quả khả quan. Ngay trong vụ Đông xuân 2019-2020, mô hình liên kết sản xuất ngô ngọt của Công ty XNK Đồng Giao xã Sào Báy (Kim Bôi) cho thu nhập 40-60 triệu đồng/ha/vụ; HTX dịch vụ nông lâm nghiệp- thủy lợi Tân Vinh, xã Tân Vinh (Lương Sơn) cho thu nhập 80-100 triệu đồng/vụ…
Bên cạnh đó, giá trị sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi ước đạt 1,6 nghìn tỷ đồng, đạt 44,7% so với kế hoạch. Tỉnh tiếp tục chủ trương tái cơ cấu ngành chăn nuôi và được các địa phương quan tâm thực hiện. Trong đó, tập trung phát triển vật nuôi bản địa theo mô hình nông hộ, phát triển chăn nuôi công nghiệp trong các cơ sở chăn nuôi lớn. Các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn hoạt động sản xuất ổn định, với quy mô nhỏ và vừa, có cơ sở đạt năng suất 1000 nghìn tấn/năm. Cơ quan chức năng triển khai tiêm hàng nghìn liều vắc xin cho gia súc, gia cầm. Đồng thời, tăng cường kiểm soát dịch đầu mối giao thông trên địa bàn tỉnh.
Về lĩnh vực lâm nghiệp, cơ quan chức năng từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, cách làm, như trồng 200 nghìn cây phân tán và cây ăn quả trong dịp tết trồng cây; trồng trên 3,5 nghìn ha rừng trồng tập trung đạt 63% kế hoạch năm. Đến nay, giá trị sản xuất ước đạt 548 tỷ đồng, đạt 45% kế hoạch năm. Ngoài ra, Sở NT&PTNT chỉ đạo đơn vị chuyên ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở nuôi động vật hoang dã, đảm bảo các trại nuôi chấp hành đúng các quy định pháp luật. 188 cơ sở chế biến lâm sản. Các cơ sở đã nhập 2,7 nghìn m3 khối gỗ với tổng giá trị trên 18 nghìn tỷ đồng; xuất ra 15 nghìn m3 khối gỗ với tổng giá trị trên 38 nghìn tỷ đồng. Các địa phương tiếp tục gieo ươm, chăm lo cây giống các loại, đảm bảo chất lượng, và tiến độ trồng rừng. Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp, đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch trên địa bàn.
Lĩnh vực thủy sản có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ngành Nông nghiệp, vượt 5,01% so với cùng kỳ, giá trị sản xuất ước đạt 129 tỷ đồng. Các địa phương đẩy mạnh phát triển nuôi cá lồng trên thủy vực lớn, nuôi thủy đặc sản trên diện tích ao, hồ theo định hướng tái cơ cấu ngành thủy sản. Hiện có 2,7 nghìn ha mặt nước ao hồ nuôi trồng thủy sản, 33 trang trại và HTX nuôi trồng thủy sản (trong đó có 134 cơ sở hoạt động nông nghiệp kết hợp nuôi trồng thủy sản, 23 cơ sở chuyên nuôi thủy sản. Các địa phương tập trung chăm sóc hơn 4,6 nghìn lồng cá. Sản lượng thủy sản ước đạt 5,4 nghìn tấn, trong đó khai thác 765 tấn, nuôi trồng 4,6 nghìn tấn.
Để đảm bảo sản xuất từ nay đến cuối năm, chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây trồng vật nuôi. Thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình thời tiết, chủ động chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chống hạn, rét đậm, rét hại. Phấn đấu diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 53,3 nghìn ha, mở rộng quy mô và số lượng vật nuôi đảm bảo nhu cầu của thị trường, nâng độ che phủ của rừng lên 51%. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với thực hiện chương trình xây dựng NTM, chương trình mỗi xã một sản phẩm, trong đó chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, lợi thế theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chuỗi liên kết giá trị bền vững. Quản lý tốt nguồn giống, vật tư cho sản xuất, ưu tiên và bổ sung cho vùng khó khăn. Bên cạnh đó, các cơ sở chế biến, bảo quản thực phẩm chủ động các phương án đảm bảo đáp ứng đủ lượng lương thực, thực phẩm và có dự trữ, đặc biệt trong bối cảnh dịch covid-19 diễn biến phức tạp./.