Hiện nay, toàn tỉnh có 7 siêu thị, 3 trung tâm thương mại; 95 chợ; 35 cửa hàng Điện máy; 11 điểm bán hàng Winmar+; có 180 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, 5 thương nhân mua bán khí; 650 cửa hàng kinh doanh LPG. Hoạt động kinh doanh tại các chợ được quản lý tốt. Tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã có 27 chợ đã chuyển đổi mô hình quản lý sang doanh nghiệp và hợp tác xã, chiếm 28% trong tổng số 95 chợ.
Nhằm quảng bá các sản phẩm, hàng hóa, tìm kiếm bạn hàng, kết nối đầu tư ra thị trường trong và ngoài nước, tỉnh đã tổ chức đoàn công tác và mời các doanh nghiệp nông sản tham gia, như: Hội nghị kết nối cung cầu tại Đà Nẵng; Hội chợ Kết nối Nông sản thực phẩm an toàn cung ứng cho các chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội 2022; Hội chợ quốc tế quà tặng hàng Thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2022; Hội chợ quốc tế khu vực Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) - Quảng Trị 2022; Festival sản phẩm Nông nghiệp và Làng nghề Hà Nội lần thứ Hai năm 2022; Tham gia Lễ hội Trái cây năm 2022 tại Hà Nội nhằm quảng bá các sản phẩm, hàng hóa, tìm kiếm bạn hàng, kết nối đầu tư ra thị trường trong và ngoài nước.
Công tác xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu đã có sự đổi mới. Thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử, công tác xúc tiến đã kết hợp giữa xúc tiến truyền thống và xúc tiến thương mại hiện đại. Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại mời các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham dự Hội nghị Giao thương trực tuyến thực phẩm Việt Nam – Châu Phi; Hội nghị giao thương thực phẩm Việt Nam – Nhật Bản; Hội nghị xúc tiến thương mại và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam -Ấn Độ; Hội nghị giao thương thuỷ sản Việt Nam –EU; Hội nghị giao thương sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản; Hội chợ quốc tế Việt – Trung tại tỉnh Lạng Sơn nhằm quảng bá các sản phẩm, hàng hóa, tìm kiếm bạn hàng, kết nối đầu tư ra thị trường nước ngoài...
Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tuyên truyền, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp triển khai bán hàng thông qua các hệ thống thương mại điện tử, đẩy mạnh việc bán hàng online, hạn chế sử dụng tiền mặt thay vào đó là hình thức trực tuyến nhờ đó mà nhiều hoạt động kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất và nhà kinh doanh, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng vào chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, quảng bá giới thiệu các sản phẩm thế mạnh, lợi thế của địa phương đến tay người tiêu dùng trong nước.
Cơ quan chức năng tích cực hướng dẫn, hỗ trợ đẩy mạnh phân phối hàng hóa của doanh nghiệp qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các Sàn thương mại điện tử. Toàn tỉnh hiện có 3 sàn thương mại điện tử là: Sàn Postmart.vn, voso.vn, sendo.vn. Các sàn thương mại điện tử đã thúc đẩy phát triển kinh tế số, nông nghiệp, nông thôn được thực hiệu quả; giúp người tiêu dùng được tiếp cận với các loại hàng hóa, dịch vụ tốt, chất lượng đảm bảo. Đồng thời góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh được người tiêu dùng trong tỉnh và các tỉnh bạn biết tới và ưa chuộng. Nhiều doanh nghiệp đã tìm kiếm được cơ hội hợp tác đầu tư, liên doanh liên kết để phát triển sản xuất và kinh doanh thương mại, mở rộng kết nối thương mại tỉnh với các tỉnh thành trong cả nước.
Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” tổ chức thường xuyên trong năm và cao điểm vào Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia chào mừng ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4. Hoạt động này nhằm từng bước xây dựng hệ thống bán hàng Việt trên địa bàn tỉnh, giúp người dân có cơ hội tiếp cận với các sản phẩm Việt Nam, chất lượng tốt, giá cả hợp lý; tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm nội địa. Từ đó tạo sức hút để các doanh nghiệp quan tâm, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh hàng Việt đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân.
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và địa phương, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.437,23 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.097,682 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ./.