DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Phát triển ngành Chăn nuôi theo hướng tập trung, ưu tiên các sản phẩm chủ lực

23/04/2024 16:30
Giai đoạn 2016 – 2024, ngành Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định, đã phát huy được lợi thế của địa phương để phát triển một số loại vật nuôi chủ lực đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Năng suất, chất lượng được nâng cao, hiệu quả chăn nuôi ngày càng rõ rệt. Qua đó góp phần tăng sức cạnh tranh sản phẩm và mở rộng thị trường.
Nhiều địa phương đã hình thành mô hình chăn nuôi lợn tập trụng, như: Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Thủy, Lạc Sơn, Yên Thủy.

Theo thông kê, trong quý I/2024, tổng đàn trâu trên địa bàn tỉnh đạt 107.998 con bằng 98,32% so với năm 2016; đàn bò đạt 92.187 bằng 145,91%; đàn Dê đạt 149,67%. Kết quả trên cho thấy ngành Chăn nuôi của tỉnh phát triển tương đối ổn định. Tổng đàn gia súc, gia cầm nuôi theo hình thức trang trại được tăng lên, người chăn nuôi đã chuyển mục đích nuôi cày kéo sang nuôi lấy thịt. Một số doanh nghiệp đã đầu tư chăn nuôi tập trung và liên kết trồng cây thức ăn cho gia súc. Nhiểu cơ sở chăn nuôi tiến hành thụ tinh nhân tạo, do đó tầm vóc đàn trâu, đàn bò từng bước cải thiện và nâng cao. Các giống bò năng suất cao tiếp tục được đưa vào địa bàn nuôi thử nghiệm, đánh giá đạt được kết quả tốt. Đây là cơ sở để ngành Chăn nuôi đang hướng tới nhân rộng đưa vào sản xuất đại trà, như: Bò BBB, Brahman, Red Sindhi, HF.

Quý I/2024, tổng đàn lợn đạt 484.178 con, đàn gia cầm đạt 9.026 nghìn con bằng 123,84% và 205% so với năm 2016. Những năm qua, tổng đàn lợn, gia cầm trong trang trại tăng lên. Nhiều địa phương trong tỉnh đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thực hiện bảo tồn và phát triển một số giống vật nuôi bản địa (Gà Lạc Thủy, Lạc Sơn; lợn Bản địa...). Tỉnh đã triển khai Dự án "Thành lập ngân hàng gen đông lạnh cho các giống lợn bản địa Việt Nam và phát triển chăn nuôi bền vững để bảo vệ đa dạng sinh học". Tiến hành chuẩn hóa giống lợn bản địa, hỗ trợ kinh phí mua 180 con lợn cái và 10 con lợn đực giống, được đánh giá chọn lựa kỹ lưỡng, đồng đều về độ tuổi giao cho 90 hộ tham gia mô hình tổ Hợp tác, Hợp tác xã chăn nuôi lợn Bản địa tại 6 xã trên địa bàn huyện Đà Bắc. Cùng với đó, giống gà Lạc Thủy đã được nghiên cứu nhân thuần, chọn lọc và bảo tồn tại Viện Chăn nuôi và đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hiện nay giống gà Lạc Thủy đã được xuất bán tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.  

Các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, sản phẩm có lợi thế đang chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, sang chăn nuôi quy mô lớn, vừa và nhỏ. Việc tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Qua đó đã đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, như: Công ty CP, Jafacomfeed; chuỗi thịt lợn an toàn tại trang trại chăn nuôi T&T 159. Ngoài ra, các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được hình thành và hoạt động có hiệu quả như: Mô hình HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ gà Hương Nhượng, huyện Lạc Sơn; HTX liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm gà Lạc Thủy; HTX Liên kết tiêu thụ sản phẩm dê huyện Lương Sơn và Lạc Thủy; HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lợn bản địa Hồng Vân, huyện Lương Sơn… Chăn nuôi nông hộ dần phát triển theo hướng an toàn sinh học.

Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm vật nuôi có lợi thế của địa phương đã được quan tâm triển khai thực hiện. Năm 2019 huyện Lạc Thủy và huyện Lạc Sơn đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể sản phẩm "Gà Lạc Sơn", "Gà Lạc Thủy", có truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý. Năm 2020, tỉnh tiếp tục tiến hành khảo sát 300 hộ kinh doanh buôn bán, giết mổ lợn tại TP. Hà Nội và tỉnh Ninh Bình để đánh giá tiềm năng thị trường tiêu thụ Lợn Bản địa và hoàn thiện hồ sơ đăng ký. Đến tháng 10/2020, sản phẩm "Lợn Bản địa huyện Đà Bắc" được công bố chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm tập thể.

Với sự chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành, sự chủ động, linh hoạt của Nhân dân, ngành Chăn nuôi của tỉnh đã đạt được kết quả tích cực. Nhất là các loại giống vật nuôi chủ lực, có lợi thế của tỉnh đã nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Một số tổ hợp tác, HTX chăn nuôi hình thành và phát triển theo chuỗi liên kết trong sản xuất. Công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được triển khai đồng bộ và quyết liệt, hạn chế được dịch bệnh lây lan ra diện rộng; chăn nuôi trang trại đáp ứng được điều kiện an toàn sinh học, chăn nuôi khép kín, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Các hình thức chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật cho Nhân dân thông qua các chương trình, dự án,…đã góp phần tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh đẩy mạnh phát triển chăn nuôi./.