DetailController

Văn hóa

Phát triển khu vực dịch vụ trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021 - 2030

11/02/2022 00:00
Thực hiện Quyết định số 531 ngày 01/04/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Tỉnh Hòa Bình phấn đấu đến năm 2025 đón 4,9 triệu lượt khách du lịch, tập trung phát triển dịch vụ du lịch gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa

Trong đó tỉnh đặt mục tiêu thời kỳ 2021-2025: Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng ngành dịch vụ đạt 27% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, với các mục tiêu: Đón 4,9 triệu lượt khách tham quan du lịch, trong đó khách quốc tế là 1,0 triệu lượt, khách nội địa là 3,9 triệu lượt. Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 5.400 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 18%/năm; Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 18%/năm. Khối lượng vận tải hàng hóa tăng bình quân đạt 9,8%/năm; vận chuyển hành khách tăng bình quân đạt 9,7%/năm. 100% số xã có điểm phục vụ bưu chính; 100% các xã trên địa bàn tỉnh có trạm BTS 4G; 30% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có trạm BTS 5G;100% các xã trên địa bàn tỉnh được cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao. Có 10 bác sĩ, 30 giường bệnh trên 1 vạn dân; có 3 bệnh viện tư nhân; Có 200 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân và dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tỷ lệ cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt 3% so tổng số cơ sở giáo dục. Số lao động được giới thiệu việc làm tại các cơ sở dịch vụ việc làm đạt 1.000 lao động/năm. Số người lao động tìm kiếm được việc làm đạt 900 lao động/năm.

Phấn đấu đến năm 2030: Tỷ trọng của khu vực dịch vụ chiếm trên 50% GRDP.

Thời kỳ 2030-2050: Khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đến năm 2050, tỷ trọng của khu vực dịch vụ chiếm khoảng 60% GRDP.

Trong đó sẽ tập trung ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ gồm: Dịch vụ du lịch, Dịch vụ logistics và vận tải, Dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, Dịch vụ ngân hàng.

Đối với các ngành dịch vụ khác như khoa học và công nghệ, dịch vụ phân phối, dịch vụ y tế, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, dịch vụ giáo dục và đào tạo…cần đánh giá sự phù hợp của dịch vụ đối với thực tiễn địa phương, từ đó phát triển đúng hướng, phù hợp và hiệu quả. Phát triển mạng lưới các loại dịch vụ rộng khắp và đầu tư có chiều sâu, phục vụ tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự  phát triển của tỉnh.

Trong đó, tỉnh tập trung ưu tiên phát triển dịch vụ du lịch, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đưa du lịch trở thành mũi nhọn kinh tế của tỉnh. Phát triển hệ thống du lịch chất lượng, đặc sắc gắn với mục tiêu giữ gìn và bảo vệ môi trường sinh thái với phương châm: Xanh - xanh hơn - xanh hơn nữa; đa dạng các sản phẩm du lịch gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tập chung phát triển các nhóm sản phẩm: Du lịch sinh thái và trải nghiệm cuộc sống; du lịch chinh phục thiên nhiên và khám phá hang động; du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cao cấp, sân golf; du lịch đường sông và lòng hồ Hòa Bình;….Từng bước phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở vật chất phục vụ du lịch đảm bảo chất lượng, hiện đại, đồng bộ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Tập trung vào hạ tầng du lịch tại các khu, điểm du lịch như: Khu du lịch Hồ Hòa Bình, Khu du lịch Mai Châu; bến thủy nội địa phục vụ khách du lịch dọc bờ Sông Đà; suối khoáng nóng Kim Bôi;… và các điểm du lịch khác trong tỉnh. Tăng cường xúc tiến, quảng bá hình ảnh tỉnh Hòa Bình đến với bè bạn trong nước và quốc tế; đẩy mạnh các chương trình hợp tác phát triển du lịch, liên kết phát triển du lịch.

Đối với dịch vụ logistic và vận tải, tập trung triển khai thực hiện Đề án phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2021-2025, tập trung nguồn lực để ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông quan trọng, liên kết vùng thúc đẩy phát triển vận tải, phát triển hợp lý các phương thức vận tải và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics như: Đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo tiêu chuẩn đường cao tốc, cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, Sơn La, đường liên kết vùng Hoà Bình - Hà Nội và cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, Sơn La; cầu Hòa Bình 5,6, các Quốc lộ, các tỉnh lộ quan trọng, đường đô thị, đường đến các khu, cụm công nghiệp, qua các vùng động lực kinh tế của tỉnh, đường kết nối với Khu du lịch quốc gia vùng hồ Sông Đà; phát triển hoàn chỉnh hệ thống kho, bãi hóa hàng…./.