Nội dung phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đề cập trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và là một trong 15 Chương trình thuộc Chương trình hành động số 06-Ctr/TU ngày 31/8/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh. Tỉnh ta xác định phải tăng cường nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp. Chủ động tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế; phát huy tối đa lợi thế của tỉnh; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mục tiêu đề ra trong 5 năm tới là phải đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ công nghiệp hóa, hiện đạo hóa, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh. Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy, phát triển mạnh mẽ kinh tế số. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao tỷ trọng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ và quốc sách hàng đầu, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và góp phần cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu quốc gia (GII).
Theo Đề án số 04 – ĐA/TU ngày 11/10/2021, tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng năng xuất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh là 40%. Mức đầu tư từ ngân sách địa phương và các nguồn lực xã hội cho khoa học và công nghệ tăng dần qua các năm và đạt 1% tổng chi Ngân sách địa phương vào năm 2025; có 300 Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Tỷ lệ trẻ huy động vào lớp 1 đạt 100%; xây dựng và mở rộng trường tiểu học trọng điểm, chất lượng cao; tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày đạt từ 80% trở lên; 85% thanh niên trong độ tuổi đạt trình hộ học vấn giáo dục THPT và tương đương; 100% trường THCS và THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp; 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng, đối với các trường của địa phương có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%; thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, tiến tới 100% các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở có trình độ từ Đại học trở lên, có năng lực sư phạm. Toàn tỉnh có 59% trở lên trường Mầm non, Phổ thông đạt chuẩn quốc gia.
Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 63%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25%. Đào tạo khoảng 77.500 lao động, trong đó: cao đẳng, trung cấp 12.000; sơ cấp 33.500; dạy nghề dưới 3 tháng 32.000. Cả tỉnh có 0,2% cán bộ, công chức và 0,2 viên chức có trình độ Tiến sỹ và tương đương; trên 30% cán bộ, công chức và 4,3% viên chức có trình độ thạc sỹ và tương đương, trong đó có ít nhất 1% cán bộ, công chức có hoàn thành chương trình đào tạo sau Đại học ở nước ngoài.
Để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng mạnh đến tầng lớp trí thức, học sinh, sinh viên, khơi dậy niềm đam mê khởi nghiệp của thế hệ trẻ, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp. Đổi mới cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đổi mới giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Có các giải pháp về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…/.