Trong 10 năm qua (2006 - 2015) toàn tỉnh có hơn 200 chương trình, đề tài, dự án cấp tỉnh và cấp quốc gia được triển khai thực hiện với tổng kinh phí trên 120 tỉ đồng. Một số đề tài đã tạo ra bước đột phá trong phát triển KT-XH địa phương như: Xây dựng và công bố Chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho sản phẩm cam quả của huyện Cao Phong đã tạo tăng giá trị quả cam lên 30 - 40%, nhiều hộ nông dân đã trở thành tỉ phú, cam Cao Phong xây dựng thành công thương hiệu, nổi tiếng khắp cả nước, từ đó diện tích trồng cam cũng được mở rộng từ 1.200 ha (2014) lên gần 3.000 ha (năm 2016), dự kiến đạt hơn 5.000 ha vào năm 2020. Đề tài xây dựng Bộ chữ dân tộc Mường tại Hòa Bình. Lần đầu tiên người Mường Hòa Bình với dân số hơn 520.000 người đã có chữ viết. Việc xây dựng bộ chữ dân tộc Mường có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Mường, đồng thời là cơ sở cho việc lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Hoạt động KHCN của tỉnh chủ yếu tập trung xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của tỉnh như mía tím Hòa Bình, thổ cẩm Mai Châu, Rượu cần Hòa Bình, rau su su Tân Lạc, quả Lặc Lày và rau hữu cơ Lương Sơn, hạt Giổi Lạc Sơn, nhãn Sơn Thủy Kim Bôi... Từ kết quả nghiên cứu của nhiều đề tài đã đề xuất với tỉnh ban hành nhiều chính sách phục vụ xây dựng nông thôn mới, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy và bảo tồn văn hóa các dân tộc, đổi mới trong sinh hoạt của các tổ chức cơ sở đảng, giúp doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm....
Tuy nhiên cũng cần thẳng thắn nhìn nhận hiện nay hoạt động KHCN trong các doanh nghiệp còn yếu, các nhiệm vụ KHCN theo hướng ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, nguồn lực cho KHCN còn hạn chế (chiếm 0,42% giai đoạn 2011 - 2015)...Trên cơ sở đó, tỉnh Hòa Bình xây dựng Đề án phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó đặt mục tiêu đưa KHCN thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng để phát triển KT-XH, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh theo hướng phát triển bền vững. Ưu tiên hàng đầu của KHCN nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về sản phẩm đặc sản địa phương, nền văn hóa dân tộc, tiềm năng du lịch để xây dựng cơ chế chính sách tạo khâu đột phá trong phát triển KHCN của tỉnh. Đưa hoạt động KHCN phục vụ cho việc xây dựng quy hoạch, phát triển KT-XH, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH.
KHCN phục vụ cải cách hành chính và xây dựng nông thôn mới; phấn đấu 80% số xã, phường, thị trấn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN 9001:2008 vào hoạt động quản lý và tối thiểu 30% các xã, phường, thị trấn có điểm thông tin KHCN. KHCN lấy doanh nghiệp là đối tượng nghiên cứu, phấn đấu 100% DN sản xuất các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh xây dựng và thực hiện các dự án nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; 100% các DN có yếu tố Nhà nước thành lập quỹ phát triển KH&CN, 50% các DN ngoài nhà nước thành lập Qũy phát triển KH&CN.....Để hoàn thành đề án trên, sẽ thực hiện đồng bộ các chính sách phát triển KH&CN; thực hiện 9 dự án đầu tư phát triển KH&CN...dự kiến tổng kinh phí thực hiện Đề án là trên 624 tỷ đồng./.