Thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ quản lý hợp tác xã. Nội dung đào tạo bao gồm kiến thức về kinh tế tập thể, phổ biến pháp luật, kỹ năng quản lý. Đã có hơn 8.900 lượt cán bộ quản lý hợp tác xã được đào tạo; tổ chức 50 lớp dạy nghề, truyền nghề cho trên 2.000 thành viên và người lao động; tập huấn, bồi dưỡng cho 875 lượt cán bộ công chức cấp huyện, cấp xã. Thông qua các khóa đào tạo đã giúp các hợp tác xã nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục hỗ trợ áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ. Đến nay, đã có 600 mô hình áp dụng kỹ thuật IPM (Quản lý dịch hại tổng hợp) được xây dựng với quy mô mỗi mô hình từ 0,5 ha - 20 ha. Cơ quan chức năng cấp 14 mã số vùng trồng và 7 mã số cơ sở đóng gói cho các cơ sở; hỗ trợ hơn gần 10 triệu tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm liên kết và hơn 240 nghìn tem truy xuất điện tử cho các sản phẩm rau hữu cơ của Liên nhóm hữu cơ huyện Lương Sơn và Hợp tác xã Nông sản hữu cơ tại huyện Lương Sơn sản xuất. Qua đó giúp các cơ sở xuất khẩu chính ngạch được 830 tấn Chuối, Nhãn, Mía tím ra các nước Trung Quốc, Đức, Hàn Quốc. Tiến hành thẩm định cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất trồng trọt cho 3 hợp tác xã, tổ hợp tác với tổng diện tích chứng nhận 185,4 ha. Đến hết năm 2021, đã có 59 hợp tác xã, tổ hợp tác được chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP với tổng diện tích được chứng nhận 1.495 ha. Các sản phẩm đã được chứng nhận tập trung vào nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã cơ bản ổn định, doanh thu tăng dần theo từng năm. Để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tỉnh đã hỗ trợ hợp tác xã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, công trình phụ trợ. Đã có 24 hợp tác xã được ngân hàng Nhà nước hỗ trơ kinh phí, xây dựng 24 công trình như: trụ sở, nhà kho, xưởng sơ chế, cửa hàng vật tư, với tổng diện tích trên 4.000 m2. Cùng với đó là hệ thống tưới, hệ thống điện phục vụ cho 121,7 ha diện tích sản xuất. Tổng kinh phí hỗ trợ là 14,3 tỷ đồng, được trích từ nguồn vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhiều mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ đã được triển khai, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả của sản phẩm và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Thời gian qua, đã gần 400 quy trình công nghệ được chuyển giao; xây dựng được 150 mô hình sản xuất, trình diễn.
Nhằm đẩy mạnh chương trình kết nối Ngân hàng- Doanh nghiệp và tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong khu vực kinh tế tập thể bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đã triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh Hoà Bình về phát triển hợp tác xã, cũng như các chính sách tiền tệ, tín dụng hỗ trợ phát triển hợp tác xã đến các ngân hàng, Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn. Tính đến này 31/12/2021, dư nợ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng đối với các hợp tác xã trên địa bàn đạt 24.936 triệu đồng, chiếm 0,1% tổng dư nợ cho vay. Ngoài ra, tỉnh đã trích từ Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh khoảng 3,98 tỷ để cho 19 hợp tác xã vay vốn sản xuất, kinh doanh.
Hoạt động xúc tiến thương mại cho kinh tế tập thể đã được các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện. Hàng năm Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch xúc tiến thương mại cho hợp tác xã, tổ chức cho các hợp tác xã tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá hình ảnh, mở rộng thị trường. Chỉ đạo tổ chức một số chương trình lớn quy mô cấp tỉnh như: Hội chợ nông nghiệp, sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc; Lễ hội cây ăn quản có múi tỉnh Hòa Bình; Tuần lễ giới thiệu sản phẩn cây ăn quả có múi và nông thủy sản an toàn, chất lượng tỉnh Hòa Bình, tại siêu thị BigC Thăng Long, Hà Nội; Tuần lễ hàng nông sản tại hệ thống Siêu thị VinCom Hà Nội; Tuần lễ hàng nông sản thực phẩm Hòa Bình tại siêu thị Coop-Mart Hà Nội./.