Tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo đến các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, các bến xe, bến cảng thủy nội địa và các đơn vị có liên quan nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật quy định trong hoạt động kinh doanh vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải nhằm đảm bảo chất lượng phương tiện, chất lượng dịch vụ vận tải ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, văn hóa, xã hội, kinh tế cho tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh, Hồ Hòa Bình đã được công bố quy hoạch là khu du lịch quốc gia,vùng lõi của khu du lịch nằm trọn vẹn tại địa bàn tỉnh Hòa Bình với rất nhiều danh lam, thắng cảnh đặc sắc như hang Miếng, động Thác Bờ, các đảo du lịch sinh thái,...các bản làng du lịch cộng đồng và đặc biệt là khu du lịch tâm linh đền Thác Bờ, là địa điểm du lịch thu hút được lượng khách du lịch rất lớn, ngoài ra còn rất nhiều các khu du lịch khác như Chùa Tiên – Lạc Thủy, Bản Lác – Mai Châu, Suối Khoáng – Kim Bôi,.... do đó lượng phương tiện đường bộ, đường thủy nội địa phục vụ hoạt động vận tải khách trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển, chất lượng phương tiện được nâng lên rõ rệt, các phương tiện vận tải đã dần hoạt động vào nề nếp, ngày càng đảm bảo chất lượng, đáp ứng từng bước nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Với sự chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ của Trung ương, các cấp, các ngành và sự vào cuộc của các thành phần kinh tế tham gia hoạt động vận tải phục vụ nhu cầu đi lại, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trong tỉnh, hiện nay, các phương tiện thủy chở khách du lịch chủ yếu hoạt động trên hồ Hòa Bình, số phương tiện chở khách hiện nay là 274 phương tiện (241 phương tiện vận tải khách và 33 phương tiện vừa chở hàng vừa chở khách). Bên cạnh đó, vận tải đường bộ khai thác 145 tuyến vận tải khách cố định nội tỉnh và liên tỉnh với tổng số phương tiện là 171 phương tiện, 05 tuyến xe buýt với 103 xe hoạt động, 374 phương tiện phục vụ vận tải khách theo hợp đồng và 538 phương tiện vận tải khách bằng taxi với chất lượng phương tiện và phục vụ ngày càng được cải tiến, nâng lên cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại, du lịch của nhân dân trong tỉnh cũng như các vùng lân cận. Thời gian qua, việc đi lại của nhân dân cũng như du khách du lịch trên địa bàn tỉnh luôn được đáp ứng kịp thời, không có tình trạng hành khách phải chờ đợi phương tiện; không có phát sinh đột xuất bất thường phải chỉ đạo xử lý trên địa bàn.
Trong năm, tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan khảo sát một số địa điểm nằm trên tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình để hướng tới xây dựng trung tâm Logistic nhằm phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng dọc hai bên tuyến đường Cao tốc Hòa Lạc - Thành phố Hòa Bình và định hướng phát triển của tỉnh, đồng thời tạo điều kiện cho việc thông thương, tập kết hàng hóa, phát triển hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh Hòa Bình và khu vực Tây Bắc,...Uỷ ban nhân dân tỉnh Hoà Bình đã có văn bản chỉ đạo về việc xây dựng trung tâm Logistic vùng Tây Bắc tại tỉnh Hòa Bình, trong đó khu vực xây dựng trung tâm Logistic đã được xác định đặt tại xã Quang Tiến, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, hạ tầng vận tải của tỉnh quy mô còn nhỏ; bên cạnh đó mạng lưới giao thông của tỉnh còn yếu, quy mô nhỏ, giao thông mang tính liên kết vùng còn thiếu. Thời gian tới, song song với việc phát triển hạ tầng giao thông, cần tiếp tục quan tâm, đầu tư tới hạ tầng vận tải đường bộ và đường thủy. Phát triển vận tải theo hướng hiện đại với chi phí hợp lý, an toàn, giảm thiểu tác động môi trường và tiết kiệm năng lượng; chú trọng ứng dụng công nghệ vận tải tiên tiến, đặc biệt là vận tải đa phương thức; nhanh chóng đổi mới, hiện đại hóa phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, đồng thời phát triển nhanh hệ thống dịch vụ vận tải phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của Nhân dân và phát triển KT-XH địa phương./.