Là xã Vùng cao của huyện Tân Lạc, nhiều năm nay trong sản xuất nông nghiệp người dân xã Lũng Vân gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về nguồn nước phục vụ cho tưới tiêu. Do địa hình cao, phần lớn diện tích canh tác đều là ruộng bậc thang. đất đai không bằng phẳng nên để dẫn được nguồn nước xuống ruộng để sản xuất là điều rất khó. Thế nhưng từ khi được sự quan tâm của Đảng, nhà nước xã Lũng Vân đã được đầu tư xây dựng một số công trình thủy lợi nội đồng nên việc gieo trồng các loại cây trồng, đặc biệt là cây lúa nước của bà con nơi đây đã được thuận lợi hơn, năng xuất sản lượng vì thế cũng cao hơn trước, góp phần nâng cao chât lượng đời sống giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã.
Đươc biết, huyện nay huyện Tân lạc là địa phương được đánh giá là có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế nông nghiệp, với diện tích đất nông nghiệp lớn. Diện tích gieo trồng hàng năm của huyện lên tới trên 12.500 ha, tập trung vào các loại cây lương thực, công nghiệp, rau quả và các loại cây trồng khác. Trên cơ sở đó, huyện quy hoạch thành 4 tiểu vùng và có phương án cơ cấu lại mùa vụ, bố trí cây trồng thích hợp. Để bảo đảm nước tưới, huyện tận dụng địa hình núi, đồi thoải đầu tư nhiều công trình thủy lợi mới, cùng với việc khai thác nước hồ, đập tự nhiên phục vụ sản xuất. Hiện tại, huyện có trên 100 công trình thủy lợi lớn, nhỏ đảm bảo nước tưới cho hơn 80% diện tích gieo trồng. Trong 11 công trình thủy lợi do Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi quản lý có 2 công trình hồ Trù Bụa xã Mỹ Hòa và hồ Nà Ai - xã Tử Nê đảm bảo nước tưới cho từ 90-100% diện tích gieo trồng.
Trong những năm qua, Hệ thống Thủy Lợi tỉnh Hòa Bình đã được xây dựng mới và có bước phát triển vượt bậc, hàng trăm công trình hồ, đập, bai dâng, trạm bơm …được nâng cấp, sửa chữa. Theo điều tra năm 2011, toàn tỉnh đã có 1252 công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng kiên cố và bán kiên cố từ nhiều nguồn vốn, tăng 508 công trình so với điều tra năm 1991. Hệ thống công trình thủy lợi hiện nay đã cấp nước tưới chủ động cho khoảng 38 nghìn ha trên tổng số 42 nghìn ha lúa 2 vụ trên địa bàn tỉnh, đưa tỷ lệ diện tích lúa được tíi chủ động từ 60% năm 1998 lên 90,5% năm 2012. Với kết quả này, Hòa Bình xếp thứ 7 trong tổng số 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc có diện tích lúa gieo trồng được tưới, góp phần vào thắng lợi của sản xuất nông nghiệp ở các địa phương.
Cùng với các công trình hồ đập, Hệ thống kênh mương đang từng bước được quan tâm đầu tư. Nếu như năm 2000 trên địa bàn toàn tỉnh chỉ có 122 Km kênh mương được kiên cố hóa, thì đến nay đã có hơn 1100 Km kênh mương được kiên cố, đạt 36%. Bên cạnh đó, các tuyến đê cũng đang góp phần phòng chống, giảm nhẹ thiên tai. Trước năm 1991, toàn tỉnh chỉ có 4 tuyến đê được xây dựng bao gồm: tuyến đê Đà Giang, Quỳnh Lâm, Ngòi Dong và Thanh Lương, với tổng chiều dài trên 14 Km. Đến nay hệ thống đê điều toàn tỉnh đã phát triển lên 43 Km. Các khu vực đê được bảo vệ an toàn
Tuy nhiên, bên cạnh các công trình thủy lợi đã và dang phát huy tốt hiệu quả cũng còn không ít các công trình thủy lợi do được xây dựng từ những thập kỷ từ 60 đến 90 của thế kỷ trước nên đã hư hỏng xuống cấp không phát huy được hiệu quả. Công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi ở một số địa phương còn yếu kém cũng là một nguyên nhân quan trọng làm giảm hiệu quả và năng lực của những hệ thống, công trình thủy lợi hiện có. Trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến vận hành của các công trình thủy lợi như giảm diện tích tưới, nhưng lại tăng cao nhu cầu tiêu thoát nước. Để một công trình hoặc hệ thống công trình thủy lợi phát huy được hiệu quả theo đúng năng lực thiết kế, tránh tình trạng điều chỉnh, bổ sung phá vỡ quy hoạch ban đầu, các địa phương cần rà soát lại quy hoạch, xem xét, đánh giá lại tài liệu các số liệu thực đo về khí tượng, thủy văn trong những năm vừa qua để điều chỉnh lại quy hoạch, sửa đổi, bổ sung công trình cho phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở từng vùng,. Cùng với đó là những biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, tài nguyên nước bị suy giảm, tổng lượng mưa hàng năm tuy ít, nhưng cường độ mưa ngày càng có xu hướng tăng cao. Để tiếp tục phát triển, ngành Thủy lợi Hòa Bình đã đề ra các nhiệm vụ. Trong đó tập trung phát triển theo hướng đảm bảo cấp và tạo nguồn nước để chủ động cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các ngành kinh tế khác trên địa bàn tỉnh, tạo sự chuyển biến trong công tác quản lý khai thác các công trình thủy lợi, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, từng bước thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Phát huy hiệu quả hệ thống công tác thủy lợi có vai trò rất quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26/T.Ư về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hệ thống công trình thủy lợi hoàn thiện sẽ nâng cao sản lượng lương thực, phòng, chống lụt bão góp phần thiết thực vào công cuộc phát triển đất nước, xóa đói, giảm nghèo và từng bước nâng cao đời sống người dân. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh việc thực hiện quyết định số 09 năm 2012 của UBND tỉnh về quy định phân cấp quản lý khai thác các công trình thủy lợi và thực hiện miễn thủy lợi phí; nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính năng động tự chủ cho toàn thể đội ngũ cán bộ công nhân viên quản lý thủy nông, huy động các nguồn lực đầu tư, nhằm tạo bước ngoặt trong công tác quản lý khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi ở địa phương.