DetailController

Trồng trọt

Phát triển hệ thống thủy lợi góp phần phục vụ sản xuất và đảm bảo tưới tiêu

08/12/2023 16:30
Hiện trên địa bàn tỉnh có tổng số 1.995 công trình/ hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Trong đó 526 công trình do cấp tỉnh quản lý, 1.469 công trình do cấp huyện quản lý.
Hệ thống thủy lợi huyện Yên Thủy góp phần điều tiết tưới tiêu

Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình thực hiện việc quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ các công trình công trình thủy lợi (gồm cả hệ thống kênh mương) của 511 công trình gồm: Hồ chứa 208 công trình; Đập (bai) dâng: 279 công trình; Trạm bơm điện: 14 công trình; Trạm thủy luân: 10 công trình được phân cho cấp tỉnh quản lý phục vụ tưới tiêu cho 21.405 ha lúa mầu và cây công nghiệp; với kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi khoảng 23 tỷ đồng. Các huyện thành phố và các đơn vị khác phục vụ tưới tiêu cho 35.188 ha lúa mầu và cây công nghiệp; với kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi khoảng 38 tỷ đồng.

Năm 2023, các công trình thủy lợi đã đảm bảo nguồn nước, nâng cao năng lực tưới tiêu, phòng chống hạn hán, ngập úng của các vụ sản xuất trong năm; giúp các địa phương tích trữ nước, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm, chủ động chuyển diện tích cấy lúa không đảm bảo nguồn nước sang trồng cây màu khác. Về cơ bản nguồn nước đảm bảo phục vụ cho khoảng 56.593 ha cây trồng trong 02 vụ theo kế hoạch; các địa phương đã kịp thời và tích cực triển khai các biện pháp bơm tưới chống hạn để giảm thiểu các diện tích bị thiệt hại do hạn hán gây ra. Năm 2023 diện tích sản xuất nông nghiệp bị hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh là 7.135ha, ước khoảng 31,11% diện tích tưới tiêu vụ Chiêm Xuân (kế hoạch diện tích tưới tiêu vụ Chiêm Xuân là 22.933,4 ha), trong đó địa phương bị hạn hán nặng nề nhất là huyện Yên Thuỷ, Lạc Sơn, Kim Bôi, Lương Sơn. Các địa phương và Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình đã kịp thời triển khai các biện pháp chống hạn cho cây trồng, cùng với đó trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện các đợt mưa rải rác, mưa to đến rất to. Vụ Đông Xuân mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đảm bảo được năng suất.

Tuy nhiên hiện nay theo rà soát hiện có 134 hồ bị hư hỏng xuống cấp, 410 hồ còn lại hoạt động bình thường. Số lượng hồ đập hư hỏng xuống cấp chiếm 24,6% tổng số hồ chứa toàn tỉnh, trong đó có 22 công trình đang được đầu tư sửa chữa từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và nguồn vốn WB8, tuy nhiên do điều kiện khó khăn về kinh phí nên chưa có kinh phí để sửa chữa, nâng cấp, hàng năm các đơn vị quản lý, khai thác thực hiện gia cố đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ. Các công trình hư hỏng, xuống cấp cần nâng cấp sửa chữa có 112 hồ, đập chứa nước thủy lợi; các hồ đập bị hư hỏng ở các hạng mục như thấm qua thân và nền đập, lún, nứt, sạt trượt mái dốc, xói lở thượng hạ lưu, hư hỏng, xói lở tràn hoặc tràn không đảm bảo khả năng thoát lũ, rò rỉ cống lấy nước... cần phải có kế hoạch để sửa chữa trong thời gian tới với tổng kinh phí dự kiến 683.000 triệu đồng.

Bên cạnh đó, thực hiện chiến dịch toàn dân làm thủy lợi năm 2023, trong đợt 1 đã thực hiện đào đắp 308.191 m3 đất, phát dọn 1.570.846 m2 kênh mương, 6.305 m3 đá xây. Ước tính ngày công huy động 344.916 công, tương ứng với kinh phí 24,14 tỷ đồng, đạt 102,8% so với kế hoạch. Đợt 2, đã huy động được trên 321 nghìn công. Ước kết quả triển khai thực hiện chiến dịch toàn dân làm thủy lợi cả năm 2023 đạt 46,5 tỷ đồng (đạt 100 % kế hoạch).

Năm 2024, ngành thủy lợi tiếp tục phục vụ sản xuất đảm bảo tưới tiêu, chỉ đạo đôn đốc thực hiện chiến dịch toàn dân làm thủy lợi năm 2024. Đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ năm 2024. Tiếp tục triển khai, đôn đốc các địa phương thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh. Tăng cường tuyên truyền, tập huấn về phòng chống thiên tai đến các cấp chính quyền địa phương và người dân biết và phòng tránh thiên tai.