Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và kiểm soát chất lượng môi trường đô thị. Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, cải tạo, xây dựng mới đô thị xanh và đô thị sinh thái, tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu tại các đô thị. Thành lập các đô thị mới và phân bố hợp lí đô thị trung tâm trên địa bàn tỉnh, tạo sự phát triển cân đối giữa các vùng trong tỉnh. Phát triển đô thị gắn với phát triển nông thôn và sử dụng hiệu quả hợp lý quỹ đất trong phát triển đô thị nhằm bảo đảm chiến lược an ninh lương thực quốc gia. Năm 2022, công tác phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật được đẩy mạnh; triển khai xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu và thông tin xây dựng và quy hoạch đô thị theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2035; tiếp tục đôn đốc triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển đô thị tỉnh đến năm 2025 và đồ án Quy hoạch cấp nước vùng tỉnh đến năm 2030; tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh ước đạt 33,42%, vượt kế hoạch đề ra, tỷ lệ dân số thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 92%. Triển khai xây dựng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản, Chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh. Các dự án khu dân cư, nhà ở thương mại tiếp tục được quản lý chặt chẽ theo quy định, trên địa bàn tỉnh có 33 dự án nhà ở đã ký hợp đồng và đang triển khai thủ tục đầu tư theo quy định.
Năm 2023, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển đô thị tỉnh đến năm 2025. Tập trung phát triển hệ thống đô thị theo hướng hiện đại kết hợp với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc và thân thiện với môi trường. Phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh năm 2023 đạt 33,45%. Thời gian tới, tỉnh huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng phát triển hệ thống đô thị trên toàn tỉnh, nâng cao chất lượng, diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng hiện đại, văn minh phù hợp với bản sắc văn hóa của mỗi đô thị. Quan tâm đầu tư xây dựng đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Đoạn Km 19+000 - Km 53+000 trên địa bàn tỉnh); dự án xây dựng đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai Hà Nội; đường liên kết vùng Hoà Bình - Hà Nội và cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; đường kết nối giữa khu du lịch Hồ Hòa Bình đến Khu du lịch Đồng Tâm, Khu du lịch Tam Chúc tỉnh Hà Nam – QL.6D; dự án cao tốc Bắc – Nam phía Tây CT.02, địa bàn tỉnh… Cải tạo, thay thế hệ thống điện chiếu sáng hiệu suất cao tiết kiệm năng lượng trên địa bàn thành phố Hòa Bình; dự án đường dây 110kV Kỳ Sơn - Lương Sơn; dự án đường dây và Trạm biến áp 110kV Yên Thủy; dự án đường dây và Trạm biến áp 110kV Kim Bôi; dự án đường dây và Trạm biến áp 110kV Tân Lạc.
Bên cạnh đó, đầu tư hạ tầng thoát nước dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Hòa Bình (KFW); nâng công suất trạm xử lý nước thải Bờ trái sông Đà từ 14.000 lên 20.000 m3/ngày; kè chỉnh trị bờ sông Bùi đoạn qua huyện Lương Sơn. Đẩu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai - Hợp phần công trình thu, trạm bơm nước thô, tuyển ống nước thô, nhà máy nước, bể chứa trung gian và tuyến ống truyền tải nước sạch; hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai – Lương Sơn- Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông (Giai đoạn II). Phát triển hạ tầng thông tin liên lạc dự án ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh giai đoạn 2021 – 2025; xây dựng đô thị thông minh tỉnh và các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số; dự án xây dựng Hệ thống các Trung tâm điều hành thông minh. Đầu tư hạ tầng thu gom và xử lý chất thải rắn nhà máy xử lý rác thải tại thôn Đại Đồng, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy; khu xử lý, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn Hòa Bình tại xã Thịnh Minh, thành phố Hòa Bình; các dự án xử lý chất thải rắn tại các huyện Đà Bắc, Lạc Sơn, Yên Thủy, Tân Lạc, Cao Phong, Kim Bôi./.