DetailController

Khoa học - Môi trường

Phát triển hạ tầng thông tin truyền thông, khoa học công nghệ hiện đại, đồng bộ tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

19/10/2021 00:00
Những năm qua, hạ tầng thông tin truyền thông, khoa học công nghệ tiếp tục được phát triển, chất lượng dịch vụ ngày càng nâng cao, đảm bảo an toàn thông tin, phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhu cầu sử dụng của người dân.
Lắp đặt trạm Viba tại xã Độc Lập, thành phố Hòa Bình

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 05 doanh nghiệp, chi nhánh hoạt động bưu chính, mạng lưới phục vụ ổn định, rộng khắp. Toàn tỉnh hiện có 213 điểm phục vụ, bao gồm 151 Điểm Bưu điện Văn hóa xã, trong đó có 82 điểm cung cấp dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Mạng lưới khai thác gồm 24 bưu cục, trong đó có 01 bưu cục khai thác cấp I, 10 bưu cục khai thác cấp II, còn lại là cưu cục khai thác cấp III. Số dân phục vụ bình quân khoảng 5.000 người/điểm. 100% các xã, phường thị trấn, cơ quan đơn vị có báo đến trong ngày.

Về viễn thông, có 07 doanh nghiệp (VNPT Hòa Bình, Viettel Hòa Bình, FPT Hòa Bình, Mobifone Hòa Bình, Vietnammobile, Công ty cổ phần truyền hình cáp SCTV và Công ty Cổ phần Truyền hình Cáp Hòa Bình) có hạ tầng viễn thông và cung cấp các dịch vụ viễn thông, Internet, truyền hình. Trong đó hạ tầng băng rộng cố định đáp ứng phục vụ 100% đơn vị cấp xã; tỷ lệ truyền dẫn cáp quang đến 100% đơn vị hành chính cấp xã; tỷ lệ phủ sóng di động theo khu dân cư đạt 95,8%. 151/151 xã, phường, thị trấn có đặt trạm BTS để phủ sóng thông tin di động, đạt tỷ lệ 100% với tổng số 2.650 trạm (bao gồm cả 2G, 3G, 4G), đường truyền cáp quang phục vụ truyền hình hội nghị trực tuyến để triển khai công tác chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền đã đạt 100% ở các điểm cầu cấp tỉnh, huyện, xã. Tổng số khoảng 853 nghìn thuê bao điện thoại (trong đó, cố định khoảng 12 nghìn thuê bao, di động khoảng 841 nghìn thuê bao), tỷ lệ máy điện thoại đạt xấp xỉ 100 máy/100 dân.

Đến nay 100% các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có mạng Internet và hệ thống mạng nội bộ (LAN) và kết nối Internet băng thông rộng (ADSL, FTTH); tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan Nhà nước được trang bị máy tính phục vụ công việc tại cấp tỉnh đạt 98%, cấp huyện đạt 91%, cấp xã đạt 88%. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã được triển khai tại 63 điểm. Trong đó 33 điểm là các sở, ban, ngành Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, với Mạng WAN tỉnh Hòa Bình đã triển khai, kết nối tại 33 điểm trên cơ sở mạng truyền số liệu chuyên dùng. Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh với quy mô 25 máy chủ và các thiết bị khác bước đầu đáp ứng được yêu cầu trong vận hành, triển khai các phần mềm dùng chung và cung cấp dịch vụ công trực tuyến góp phần tích cực vào việc nang cao hiệu quả quản lý và điều hành của các cơ quan Nhà nước, phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Về hạ tầng khoa học công nghệ, nhiều công nghệ, thiết bị hiện đại được đầu tư và làm chủ như: Hệ thống nhà lưới điều khiển tự động; nhà nuôi cấy mô với hệ thống các phòng liên thông cùng các thiết bị chuyên dùng theo dây chuyền công nghệ cao phục vụ công tác nghiên cứu, kiểm tra, thí nghiệm các mô tế bào thực vật…Hệ thống chuẩn đo lường, phòng thí nghiệm được đầu tư cơ bản đáp ứng năng lực phục vụ yêu cầu quản lý.

Tuy nhiên hiện nay, việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu chuyên ngành từ Trung ương tới địa phương nhằm đồng bộ, thống nhất, giảm chi phí đầu tư hiện mới đang triển khai bước đầu, chưa đạt kết quả như mong muốn. Thương mại điện tử còn gặp nhiều khó khăn. Hạ tầng công nghệ thông tin chỉ phát triển mạnh ở một số khu vực đô thị, đông dân cư và còn nhiều hạn chế ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông, khoa học công nghệ hiện đại, tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, Đề án số 02-ĐA/TU ngày 26/8/2021 đã xác định mục tiêu phải phát triển mạng lưới bưu chính theo hướng hạ tầng chuyển – phát và Logistics để phát triển thương mại điện tử và kinh tế số. Phát triển hạ tầng viễn thông để không chỉ là hạ tầng thông tin liên lạc mà là hạ tầng của kinh tế số, xã hội số, hạ tầng của cách mạng công nghiệp 4.0, hạ tầng kết nối vạn vật; sớm xây dựng và triển khai chương trình số hóa dữ liệu về đất đai. Hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử cấp tỉnh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng. Triển khai đẩy mạnh các dự án đầu tư tăng cường cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ phục vụ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Vì vậy, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung xây dựng cơ chế thuận lợi để thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực bưu chính, viễn thông; khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng phạm vi hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông sử dụng dùng chung hạ tầng kỹ thuật làm giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh doanh, đảm bảo thông tin, liên lạc luôn được thông suốt. Tăng cường quản lý quy hoạch hạ tầng viễn thông, đẩy nhanh tiến độ ngầm hóa cáp viễn thông. Ưu tiên đầu tư, hỗ trợ cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp; thu hút các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển công nghệ thông tin. Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử; triển khai phần mềm chặn lọc, phát hiện thu thập, xử lý thông tin sai phạm trên môi trường mạng; hướng dẫn, nâng cao ý thức phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật trên mạng Internet. Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở khoa học – công nghệ và tích hợp vào quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2020, tầm nhìn đến năm 20250, tạo tiền đề làm cơ sở thu hút nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực khoa học công nghệ./.