Việc tổ chức giao thông tại các đô thị cũng đã có nhiều đổi mới. Trong quá trình xây dựng hạ tầng hệ thống giao thông thông minh, tỉnh đã đẩy mạnh các ứng dụng tiên tiến, như: Hệ thống giám sát, điều hành giao thông sử dụng hệ thống camera giám sát trên toàn tuyến; Trung tâm thông tin Chỉ huy Công an tỉnh; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa với các công nghệ hiện đại, hệ thống cân tự động, hệ thống bảng thông báo điện tử,… Bên cạnh đó, giao thông thông minh còn được người dân hưởng ứng ủng hộ, thông qua mô hình kiểu mẫu về “an ninh, trật tự và văn minh đô thị tại cơ sở”.
Nhờ việc đẩy mạnh các hoạt động kêu gọi đầu tư, ưu tiên bố trí vốn đầu tư các công trình, dự án giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh; đề xuất danh mục các dự án công trình trọng điểm, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ. Đến nay, tổng chiều dài đường đô thị là 235,072 km. Trong đó, chiều dài đường đô thị được ngầm hóa cáp điện, cáp viễn thông là 5,318 km; chiều dài đường đô thị được chiếu sáng là 131,586 km.
Nhìn chung, hệ thống đường bộ đã và đang được đầu tư về cơ bản đảm bảo giao thông thông suốt, lưu thông đối nội và đối ngoại giữa các địa bàn trên tỉnh. Một số tuyến giao thông quan trọng mới được hình thành tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp và đô thị, đồng thời giúp cho mọi người dân, tổ chức và doanh nghiệp có thể dễ dàng kết nối trong và ngoài tỉnh cũng như tiếp cận các hoạt động kinh tế xã hội khác.
Phát triển giao thông nói chung và giao thông đô thị nói riêng có tác động lớn đến việc hình thành và phát triển đô thị. Ngược lại, sự phát triển đô thị cũng là động lực cho việc hình thành và phát triển mạng lưới giao thông. Ngành Giao thông tỉnh đã tích cực tham gia ý kiến chuyên môn đối với các đồ án quy hoạch vùng và điều chỉnh quy hoạch chung đô thị trên địa bàn tỉnh. Để đưa ra các giải pháp ngắn hạn, dài hạn khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông; từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại./.