Hòa Bình hiện có 145/151 xã, phường, thị trấn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, có 60 xã thuộc khu vực III; 13 xã, phường, thị trấn khu vực II; 72 xã, phường, thị trấn khu vực I; 74 thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi của 22 xã khu vực II và khu vực I; 8 thôn, xóm, tổ dân phố vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ủy ban nhân dân tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, đề án, kế hoạch...theo hướng bền vững, gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái. Đối với ngành Giáo dục và Đào tạo, đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện đúng khung chương trình dạy và học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. Công tác giáo dục dân tộc tiếp tục được quan tâm, các trường dân tộc nội trú, trường dân tộc bán trú được ổn định về quy mô, nâng cấp về cơ sở vật chất. Tiếp tục đẩy mạnh bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc và miền núi.
Công tác rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học luôn được chú trọng. Trong năm học, đã thực hiện sáp nhập 10 trường tiểu học, trung học cơ sở thành 01 trường trung học và 03 trường trung học và trung học cơ sở, thành lập mới 01 trường trung học và trung học cơ sở, giảm được 29 điểm trường đối với cấp tiểu học.Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trong các nhà trường tiếp tục được quan tâm. Toàn ngành hiện có 8.797 phòng học khối các trường mầm non, phổ thông, trong đó phòng kiên cố chiếm 85,5%. Có 298 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn Quốc gia, đạt 57,41%; trong đó giáo dục mầm non đạt 60,36%; cấp tiểu học đạt 64,3%; cấp THCS đạt 60,18%; cấp THPT đạt 27,08%.
Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn là người dân tộc tiếp tục được quan tâm, gắn việc rà soát, xác định danh mục nghề đào tạo với làm tốt công tác định hướng, tư vấn nghề cho người lao động nông thôn trong việc lựa chọn nghề, tham gia học nghề và giải quyết việc làm sau học nghề. Tỉnh đã đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho 14.474 lượt người. Trong đó lao động người dân tộc thiểu số là 10.859 người.Tỷ lệ lao động trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp còn khoảng 60%, tỷ lệ lao động thất nghiệp của lao động ở khu vực thành thị còn dưới 3%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 53,3%, số lao động học xong có việc làm đạt 80%. Công tác giáo dục nghề nghiệp được chú trọng; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, đã tổ chức được 57 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng cho 1.517 người .Việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. Tư vấn, giới thiệu việc làm cho 16.120 lao động có việc làm ổn định, giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho 14.979 lao động với số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp trên 170 tỷ đồng.
Mặc dù việc thực hiện các chính sách đào tạo, dạy nghề đối với vùng dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn song luôn cần được sự quan tâm thực hiện của các cấp, các ngành trong thời gian tới. Trong đó tập trung nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách cho người dạy, người học vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chính sách đối với học sinh trường nội trú, bán trú; dạy và học tiếng dân tộc. Thực hiện có hiệu quả đề án giáo dục dân tộc trên địa bàn tỉnh cũng như công tác đào tạo nghề cho đồng bào các dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện của từng địa phương góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững./.