DetailController

Kinh tế

Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, đáp ứng yêu cầu sản xuất tiêu dùng của Nhân dân

15/05/2023 16:28
Trong những năm qua, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình ngày càng được mở rộng, phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Hàng hóa đưa ra thị trường phong phú, đa dạng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và đời sống, góp phần ổn định giá cả thị trường, thúc đẩy sản xuất phát triển, giải quyết việc làm cho người lao động.
Các hình thức phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh phát triển đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định: Phát triển nhanh, đa dạng các loại hình và nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu sản xuất, tiêu dùng của Nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Chương trình hành động số 01, ngày 23/12/2020 của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra mục tiêu: "Phấn đấu ngành dịch vụ trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp lớn vào quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế". Để hiện thực hóa chủ trương, định hướng và mục tiêu đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, Tỉnh ủy đang chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển dịch vụ tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Đây là đề án được kỳ vọng đưa dịch vụ phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, khai thác hiệu quả tiềm năng để phát triển, góp phần giảm nghèo bền vững, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Giai đoạn 2020-2023, Tỷ trọng của ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế khá ổn định, chiếm khoảng 30-33% trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ giai đoạn 2020-2023 ước đạt 8,05%/năm. Các ngành dịch vụ phát triển nhanh và đa dạng theo đúng định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Đặc biệt một số ngành dịch vụ mới như thương  mại điện tử, giao nhận hàng hóa, ngân hàng…phát triển với tốc độ cao. Trong đó: Dịch vụ phân phối hàng hóa nội tỉnh tăng trưởng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm tăng 18%/năm (hoàn thành mục tiêu Nghị quyết đề ra). Các hình thức phân phối phát triển khá đa dạng, trong đó các hình thức phân phổi hàng hóa hiện đại phát triển khá nhanh (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn...). Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 95 chợ; 07 siêu thị; 03 Trung tâm thương mại; 01 Trung tâm Hội chợ triển lãm; 409 cửa hàng phân phối vật tư nông nghiệp; 204 cửa hàng phân phối vật liệu xây dựng; 08 đơn vị phân phối lớn về lương thực, thực phẩm; 3.174 cơ sở bán lẻ, cửa hàng tạp hóa với hệ thống phân phối hàng hóa đa dạng rộng khắp cơ bản đáp ứng nhu câu tiêu dùng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã được kiểm soát, tăng bình quân từ 3-4%/năm thấp hơn mức tăng của cả nước.

Công tác kết nối cung cầu nhằm gắn kết nối các doanh nghiệp sản xuất của tỉnh với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc và đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản của địa phương. Nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh như rau, cá, cam, bưởi đã có mặt tại một số siêu thị lớn như: Co.opmar; Big C, V+... Bên cạnh đó, tỉnh đã tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tập trung hỗ trợ đẩy mạnh phân phối hàng hóa của doanh nghiệp qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các Sàn thương mại điện tử và kết nối giao thương thúc đẩy tiêu thụ nông sản, các sản phẩm OCOP giữa các tỉnh trên cả nước. Tổ chức các đoàn công tác tham gia Hội nghị kết nối cung cầu tại các tỉnh trên cả nước. Mời các doanh nghiệp tham gia hội chợ trong và ngoài nước và Hội nghị Giao thương trực tuyến giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Triển khai các hoạt động hưởng ứng ngày Thương hiệu quốc gia 20/4. Hàng năm triển khai các hoạt động hưởng ứng ngày Quyền của tiêu dùng Việt Nam 15/3 trên địa bàn tỉnh. Tổ chức ký kết quy chế phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh Hà Nội, Hà Nam và các Sở, ngành thuộc tỉnh như Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Liên Minh hợp tác xã tỉnh, Hội Nông dân tỉnh nhằm đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại. Tổ chức tuyên truyền các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó chú trọng tuyên truyền, phổ biến Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA; Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai - len).  Tổ chức và mời doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham dự các Hội nghị trực tuyến về Diễn đàn Thương mại Việt Nam - EU. Tổ chức các Hội thảo về quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại do Việt Nam và Liên minh Châu Âu và lớp bồi dưỡng kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế cho các doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình.  

Sở Công thương đã quản lý chặt chẽ các hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tuân thủ các quy định tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Tổ chức thành công chuỗi sự kiện Hội chợ Công Thương khu vực phía Bắc tỉnh Hòa Bình 2022 với quy mô gần 300 gian hàng; Hoàn thành và xuất bản 1000 Ấn phẩm "Hòa Bình sản phẩm chủ lực, tiềm năng và đặc trưng" thuộc Đề án phát triển thị trường xuất khẩu nông sản giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; Ra mắt phòng triển lãm giới thiệu các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Hòa Bình./.