DetailController

Tin từ các đơn vị

Phát triển công nghiệp thực sự trở thành động lực của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và hiệu quả

18/05/2023 17:00
Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội, ngành công nghiệp tiếp tục là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh Hòa Bình. Quy mô sản xuất công nghiệp liên tục được mở rộng theo từng năm.
Công tác thu hút đầu tư về phát triển hạ tầng cụm công nghiệp được tỉnh quan tâm

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có khoảng 6.660 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng 331 cơ sở so với năm 2020. Trong đó có 520 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất công nghiệp (tăng 47 doanh nghiệp so với năm 2020). Các cơ sở sản xuất được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh. Giai đoạn 2020-2023, tổng số kinh phí khuyến công được giao là: 6.535 triệu đồng để triển khai thực hiện 16 đề án. Các chương trình, đặc biệt là chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn, hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất đã giúp các cơ sở sản xuất định hướng đầu tư đúng đắn nhằm mở rộng quy mô sản xuất góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo thu nhập ổn định cho lao động nông thôn (bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng) góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, phát triển đời sống văn hoá - xã hội. Năm 2022, tổ chức bình chọn 20 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Hòa Bình, nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, giá trị sử dụng cao, mở rộng thị trường, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước, khuyến khích, thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển.

Công tác thu hút đầu tư về phát triển hạ tầng CCN theo Nghị quyết 67/2017/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình được quan tâm. Giai đoạn 2020-2023, hỗ trợ phát triển hạ tầng được 02 cụm công nghiệp, với kinh phí hỗ trợ 6 tỷ đồng. Quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu với xu hướng chuyển dịch khá rõ và tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành (giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai khoáng và tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo). Ngành công nghiệp sản xuất điện và phân phối điện, tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo luôn đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 4 ngành công nghiệp cấp II của tỉnh. Trong đó Nhóm các doanh nghiệp sản xuất điện tử, dệt may, chế biến nông, lâm sản... tăng trưởng ở mức cao, là yếu tố chính đóng góp vào phát triển của ngành công nghiệp tỉnh Hòa Bình; tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội và trở thành ngành công nghiệp xuất khẩu chủ đạo của tỉnh. Hầu hết các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh thuộc ngành chế biến chế tạo (dệt may, chế biến nông sản, lắp ráp linh kiện...). Năm 2022 xuất khẩu sản phẩm lắp ráp điện tử đạt 780 triệu USD chiếm 54% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, xuất khẩu dệt may đạt 450 triệu USD chiếm 31%.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương phối hợp tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề xuất Bộ Công Thương trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (giá tính thuế đối với Nhà máy Thủy điện Hòa Bình từ 430,95đ lên 652,55đ). Chỉ đạo Ngành điện đảm bảo tốt nhu cầu điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và sinh hoạt, sản xuất của người dân; thực hiện đầu tư, nâng cấp, cải tạo lưới điện đảm bảo cung cấp đủ điện an toàn, tin cậy, đưa vào vận hành khối lượng lớn các dự án, công trình điện. Công tác đưa điện về nông thôn, miền núi được chú trọng góp phần quan trọng thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ ổn định chính trị, an ninh. Năm 2022, Sản xuất và phân phối điện đạt 9.417,1 triệu kWh tăng 1.058 triệu kWh so với năm 2020, điện thương phẩm đạt 1.212,2 triệu kWh tăng 342,2 triệu kWh so với năm 2020. Chương trình phát triển lưới điện thông minh được triển khai rộng rãi đã giúp nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện ngày càng tốt hơn. Hiên nay 100% các trạm biến áp 110kV có kết nối hệ thống SCADA về trung tâm điều khiển, A1 theo quy định và 90% đáp ứng đủ tín hiệu SCADA theo quy định. Hoàn thành chỉ tiêu thực hiện 100% các TBA 110kV vận hành theo tiêu chí không người trực. Tỷ lệ công tơ điện tử và thu thập số liệu đo đếm từ xa cho khách hàng sử dụng điện đạt khoảng 74,2% tổng số công tơ bán điện trên lưới.

Năm 2021, sau khi dịch Covid cơ bản được khống chế, Sở Công Thương đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đảm bảo cấp điện ổn định và đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nắm bắt tình hình sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh./.