Nội dung thi đua gồm có: Đảm bảo ổn định quy mô dân số, cơ cấu dân số; khẳng định đạt và duy trì mức sinh thay thế, giảm mạnh tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên; kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh. Thực hiện có hiệu quả Chương trình Dân số - Phát triển lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Thực hiện có hiệu quả các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số: Mô hình sàng lọc gen bệnh tan máu bẩm sinh tại trạm y tế xã; tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh; phòng tránh vô sinh và hỗ trợ sinh sản; giảm tình trạng tảo hôn; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…Duy trì, củng cố và tăng cường hệ thống kho dữ liệu điện tử chuyên ngành Dân số - KHHGĐ nhằm đảm bảo cung cấp thông tin, dữ liệu đầy đủ, kịp thời và chính xác đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành công tác Dân số và Phát triển. Kiện toàn, ổn định bộ máy tổ chức cán bộ làm công tác Dân số - Phát triển nhất là đội ngũ cán bộ viên chức dân số xã và lực lượng cộng tác viên dân số thôn/bản. Nâng cao năng lực, chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đạt hiệu quả công tác, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phấn đấu hoàn thành và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch của tỉnh, của trung ương giao về công tác Dân số - Phát triển hàng năm.
Phấn đấu đến năm 2025, đưa nhanh mức sinh chung của toàn tỉnh về mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng. Đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức dưới 112 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống. Nâng cao chất lượng dân số. Tỉ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 70%, trong đó có xét nghiệm gen bệnh tan máu bẩm sinh và tư vấn phòng bệnh cho thế hệ sau. Giảm bình quân 1,5 - 2%/năm tỷ lệ tảo hôn; 50% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 70% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất; tuổi thọ bình quân đạt trên 73,5 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm...Thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Kế hoạch cũng đề một số giải pháp để tập trung thực hiện đó là cần quán triệt thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch của Trung ươn và của tỉnh về Chiến lược Dân số. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các phong trào thi đua yêu nước, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về công tác thi đua, khen thưởng và công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ vị trí, vai trò, tác dụng to lớn và ý nghĩa quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức hội các cấp; cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Hòa Bình. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua cũng như tổ chức thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Hòa Bình, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2021 và Kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra. Tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức thực hiện phong trào thi đua, đảm bảo phong trào thi đua được phát động sâu rộng; tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Hòa Bình./.