Trên địa bàn tỉnh có trên 40 nghìn người cao tuổi trực tiếp tham gia phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Trong đó 800 người làm chủ trang trại, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh. Bằng tinh thần gương mẫu, vượt khó vươn lên, năm 2021, có 2.545 người cao tuổi được công nhận làm kinh tế giỏi. Người cao tuổi luôn tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. Đến nay, tỉnh có 5.770 hội viên tham gia gia làm công tác xã hội, 3.920 người làm công tác hòa giải, trên 2.000 người tham gia tổ an ninh nhân dân. Có thể kể đến như: “Tổ tuần tra”, “Ba giữ, ba quản”, ‘ Gia đình 5 không 3 sạch”… Và hàng nghìn người cao tuổi là Cựu Chiến binh đã nêu cao tinh thần "Bộ đội cụ Hồ" giáo dục, bồi dưỡng truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ; động viên thanh niên lên đường nhập ngũ.
Bằng những cách làm sáng tạo, phù hợp, các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao của Hội vẫn duy trì, thu hút mọi người, mọi lứa tuổi tham gia tập luyện. Hoạt động hiện đang thu hút 36.910 người cao tuổi tham gia tập luyện tại 1.584 câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, người cao tuổi luôn phát huy vai trò gương mẫu, lan tỏa năng lượng tích cực đến các phong trào thi đua yêu nước, phong trào xây dựng nông thôn mới. Theo thống kê, có trên 93% số hộ gia đình có người cao tuổi đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá.
Thực hiện Dự án VIE070 “Hỗ trợ người cao tuổi thiệt thòi thông qua nhân rộng Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau ở Việt Nam” tại tỉnh, Hội đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành để nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau. Sau 3 năm triển khai, tỉnh đã thành lập được 34 Câu lạc bộ. Các Câu lạc bộ hoạt động ổn định và đem lại nhiều kết quả thực tiễn cho các thành viên. Bên cạnh đó, Dự án VIE071 “Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khoẻ người cao tuổi Việt Nam” cũng đang phát huy hiệu quả. Đến nay, Hội Người cao tuổi tỉnh đã thành lập được 10 câu lạc bộ theo đúng tiêu chí, đang tiến hành tập huấn và từng bước vào hoạt động.
Nhằm tăng cường sức khỏe về thể chất và tinh thần, đồng thời phát huy tối đa vai trò của người cao tuổi tham gia vào các hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục, kinh tế, chính trị; Ngày 10/02/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2022-2030 tại tỉnh Hòa Bình.
Theo đó, Kế hoạch tập trung vào nhiệm vụ trợ giúp y tế, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Triển khai kịp thời chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám sức khỏe định kỳ, lập sổ quản lý theo dõi sức khỏe người cao tuổi ở y tế tuyến xã, ưu tiên nhóm người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên và từng bước mở rộng đến nhóm từ 65 tuổi. Phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội để cung cấp dịch vụ chăm sóc, phục hồi chức năng đối với người cao tuổi cả công lập và ngoài công lập. Tăng cường trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế, nhà ở cho người cao tuổi. Hỗ trợ pháp lý để người cao tuổi được tiếp cận với vốn vay khởi nghiệp với lãi suất thấp. Quan tâm, hỗ trợ người cao tuổi tham gia hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, sử dụng công nghệ. Nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức và cộng tác viên làm công tác trợ giúp người cao tuổi. Đồng thời, tăng cường truyền thông, hợp tác quốc tế về người cao tuổi và vấn đề già hóa dân số và đẩy mạnh thực hiện thu thập cơ sở dữ liệu về người cao tuổi. Phấn đấu đến năm 2030, 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế và được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời; 100% người cao tuổi nghèo có ngượi phụng dưỡng, chăm sóc theo quy định; có 90% xã, phường, thị trấn có các loại câu lạc bộ văn hóa, thể dục, thể thao thu hút 70 người cao tuổi tham gia; 80% xã, phường, thị trấn có Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau./.