DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác để xây dựng các chuỗi giá trị từ cây ăn quả VietGAP

20/07/2023 16:00
Những năm qua, để “mở đường” phát triển vùng cây ăn quả chất lượng cao tại các địa phương, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình đã chủ động quy hoạch các vùng sản xuất theo hướng hàng hóa, phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác để hình thành liên kết với doanh nghiệp, xây dựng các chuỗi giá trị.
Anh Nguyễn Hồng Đăng tại xóm Vố, xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi muốn mở rộng trồng chuối quy mô lớn, sản xuất chuyên môn hóa cao

Điển hình, HTX sản xuất, chế biến nông thủy sản Phú Cường (xã Hợp Thành, TP.Hòa Bình) hiện có 30 ha chuối được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng mỗi năm khoảng 1.000 tấn, trước đây chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc qua đường chính ngạch.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2021 đến nay, việc xuất khẩu sang Trung Quốc ngày càng có nhiều yêu cầu khắt khe hơn, đặc biệt là những rào cản và khó khăn trong khâu vận chuyển. Các chi phí bến bãi, bảo quản… bị đội giá lên khá cao, HTX gần như không thể vận chuyển hàng để xuất bán theo đường chính ngạch.

Ông Trần Văn Tuấn, Giám đốc HTX, cho biết bình quân mỗi năm, HTX xuất bán từ 400 - 600 tấn chuối tươi sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc xuất khẩu sang quốc gia tỷ dân ngày càng khó, vì vậy HTX đã chủ động chuyển hướng sang tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Kết quả, nhờ chuyển hướng kịp thời, sản phẩm của HTX tiêu thụ tốt, đảm bảo thu nhập cho thành viên. Trong 3 tháng đầu năm 2022, HTX đã tiêu thụ 120 tấn Chuối bằng hình thức bán lẻ cho tiểu thương nội tỉnh, đầu mối tại các chợ ở khu vực Hà Nội, Thanh Hóa, Tuyên Quang…

HTX Chuối Viba cũng đang là một điển hình, tạo điểm tựa sản xuất, giảm nghèo, làm giàu cho người dân tại xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn. Hiện, HTX có diện tích canh tác khoảng 20ha và vẫn liên tục mở rộng. HTX là một chuỗi liên kết chặt chẽ từ khâu ươm giống đến khâu trồng, sơ chế, bán hàng và chăm sóc khách hàng. Thương hiệu của HTX chuối Viba đã được đăng ký bản quyền, có tem riêng trên từng chùm Chuối. Thị trường ngày càng được mở rộng giúp HTX hoạt động ổn định. Doanh thu hàng năm của HTX hiện đạt trên 9 tỷ đồng, sản lượng đạt trên 1.000 tấn, bình quân hàng năm thu lợi nhuận trên 196 triệu đồng/ha, giải quyết việc làm cho trên 50 lao động địa phương.

Cùng với cây chuối, các loại cây có múi cũng đang cho hiệu quả cao tại Hòa Bình. Với các chính sách hỗ trợ, đồng hành phát huy hiệu quả, những năm gần đây, diện tích trồng cây chủ lực có múi toàn tỉnh có xu hướng gia tăng nhanh, hiện có khoảng 8,08 nghìn ha, trong đó có 3,61 nghìn ha trong thời kỳ kinh doanh, năng suất 24 tấn/ha, thu nhập đạt 500 – 600 triệu đồng/ha/năm.

Xã Bình Thanh, huyện Cao Phong đang là một trong những địa phương phát triển tốt mô hình trồng cây ăn quả, mang lại giá trị cao cho người dân. Đặc biệt, vào tháng 10/2018, HTX Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh với 16 thành viên đã được thành lập, là một trong những HTX tiên phong của tỉnh áp dụng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên 25 ha Cam.

Đến nay, toàn bộ sản phẩm cam đường canh của HTX được tiêu thụ ở thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Trung bình, mỗi ha cam có năng suất 19 tấn/ha, doanh thu bình quân 550 triệu đồng/ha, trừ chi phí lãi 440 triệu đồng.

Tại HTX 3T Farm, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, sau hơn 2 năm hoạt động, từ 7 thành viên với 12,5ha canh tác, đến nay HTX đã có 22 thành viên tham gia với diện tích đất canh tác tăng lên 29,5ha. Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc cho biết, các thành viên của HTX đã thực hiện tốt quy trình sản xuất chăm sóc và đã được cấp chứng nhận VietGAP; 2/3 diện tích trồng Cam của các thành viên đang thực hiện tốt việc sử dụng các loại vật tư nông nghiệp có nguồn gốc hữu cơ để chăm bón."Trong năm 2020, tổng sản lượng Cam của HTX đạt 300 tấn, đem lại lợi nhuận 6 tỷ đồng. Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng dự kiến lợi nhuận tiếp tục tăng cao", chị Thủy nói.

Có thể thấy, trồng cây ăn quả đang là hướng đi hiệu quả cho nhiều nông dân ở Hòa Bình và nhiều tỉnh miền núi ở phía Bắc. Đặc biệt, hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác, cùng sự đồng hành của địa phương đang giúp các mô hình trồng cây ăn quả ngày càng phát triển ổn định, liên tục mở rộng cả về quy mô và giá trị. Đồng thời, để đảm bảo giá trị bền vững, các địa phương cần chủ động rà soát, đánh giá những diện tích đất đai thích hợp trồng các cây trồng chủ lực, cây trồng đặc sản, qua đó hướng dẫn người dân lựa chọn trồng các cây trồng phù hợp với từng vùng chuyển đổi, từng chất đất, tập quán sản xuất cũng như nhu cầu của thị trường.

Các tỉnh cũng cần có quy hoạch rõ ràng, đồng hành cùng người dân để mở rộng diện tích các vùng trồng theo lộ trình hợp lý, đảm bảo cân bằng giữa cung và cầu, tránh phát triển quá nóng. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của các HTX, doanh nghiệp, hình thành các chuỗi giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ, đảm bảo thu nhập cho người dân./.