DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân để chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới

10/08/2023 16:00
Cùng với sự đồng thuận cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và phát huy tốt vai trò chủ thể của Nhân dân, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã đạt được nhiều kết quả. Đến nay, diện mạo nông thôn của mảnh đất ở cửa ngõ Tây Bắc ngày càng thay da, đổi thịt, đời sống người dân không ngừng được nâng lên.
Trường mầm non của xã Yên Trị (huyện Yên Thủy)

Có dịp về thăm xã Yên Trị (huyện Yên Thủy) - Xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Hòa Bình. Hình ảnh ấn tượng là một vùng quê no ấm, với cơ sở hạ tầng khang trang, đường làng, ngõ xóm xanh-sạch-đẹp. Chủ tịch UBND xã Yên Trị Bùi Phi Diệp chia sẻ:

Có được những kết quả ngày hôm nay là nhờ sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn xã. Nguồn lực đóng góp từ người dân và xã hội hóa để xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu đạt hơn 62 tỷ đồng. Hiện nay, trên địa bàn xã duy trì 100 ha chuyên canh cây lạc, xây dựng nhãn hiệu lạc Yên Thủy, bước đầu xây dựng mã số vùng trồng 20 ha làm cơ sở để xuất khẩu; vùng chuyên canh khoai sọ 20 ha; vùng chuyên canh sản xuất rau 10 ha; duy trì ổn định vùng trồng cây có múi đạt tiêu chuẩn VietGAP 20 ha. Nhờ đó, thu nhập của người dân không ngừng được nâng cao, xã không còn hộ nghèo.

Trong khi Yên Trị đã về đích xã nông thôn mới kiểu mẫu, thì xã Độc Lập, thành phố Hòa Bình lại đang trên hành trình về đích nông thôn mới trong năm 2023. Với xuất phát điểm là xã vùng cao đặc biệt khó khăn cho nên hành trình ở Độc Lập gặp không ít thử thách.

Tuy nhiên, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự ủng hộ của nhân dân, xã vùng cao này cũng đang tự tin hoàn thành mục tiêu. Trong thời buổi “tấc đất, tấc vàng” thì ở xã vùng cao vẫn có nhiều gương sáng về hiến đất xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu như gia đình ông Đinh Văn Hương, ở xóm Can đã hiến hơn 1.000 m2 đất lúa và đất ao cá để mở rộng đường giao thông. Ông Hương cho biết: “Mặc dù đất rất quý, nhưng gia đình tôi hiến đất là vì lợi ích chung của cộng đồng. Mỗi nhà, mỗi người hiến một chút thì sẽ có con đường rộng, đẹp. Đường thuận lợi thì cuộc sống của con cháu sau này mới phát triển”.

Theo thống kê của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, năm 2022, vốn huy động từ cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh để xây dựng nông thôn mới đạt hơn 225 tỷ đồng. Con số đó là minh chứng cho sự quyết tâm người dân Hòa Bình nhằm xây dựng vùng quê ngày càng ấm no, giàu đẹp hơn.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Huy Nhuận - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh: Từ đầu năm 2023 đến nay, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã đạt được nhiều kết quả khả quan, diện mạo nông thôn và đời sống người dân được nâng lên rõ rệt từ kinh tế đến đời sống văn hóa, tinh thần. Trong đó, nhờ hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ đã góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Hiện nay, tỉnh có 123 sản phẩm với 24 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao; có 99 sản phẩm đạt hạng 3 sao, tập trung chủ yếu vào nhóm sản phẩm đặc thù, thế mạnh của tỉnh, được khách hàng trong nước và quốc tế tin dùng như: Cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, cá sông Đà, sản phẩm chế biến từ măng nứa, măng bát độ; nhóm dược liệu như: Cao cà gai leo, cao xạ đen; sản phẩm từ thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình. Một số sản phẩm đã xuất khẩu sang Mỹ, Châu Âu…

Từ nay đến cuối năm 2023, tỉnh Hòa Bình phấn đấu có thêm sáu xã đạt chuẩn nông thôn mới; chuẩn hóa từ 16 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao trở lên. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục hoàn thành các công trình thiết yếu để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống cư dân nông thôn, như giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế...; thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn, tạo mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho Nhân dân.

Để hoàn thành các chỉ tiêu đó, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình một cách hiệu quả, huy động nguồn lực, thu hút doanh nghiệp, đào tạo nhân lực, đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách cho các xã đặc biệt khó khăn, các xã đăng ký đạt chuẩn trong giai đoạn 2021-2025./.