Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 170 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh (trong đó, có 49 người dân tộc thiểu số và 83 người biết tiếng dân tộc); có 215 báo cáo viên pháp luật cấp huyện; 1.684 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã; 1.282 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; 58 già làng; 736 trưởng bản và 214 chức sắc, chức việc tôn giáo.
Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn vừa hùng hậu về số lượng, vừa đảm bảo vệ năng lực, trình độ. Đây là nhân tố tích cực trong việc định hướng, xử lý các vấn đề thời sự quan trọng của đất nước và của tỉnh; là cầu nối trực tiếp giữa các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh với cơ sở và nhân dân; nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân cũng như những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn đời sống của cơ sở, tuyên truyền, giải thích cho quần chúng nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương. Đồng thời từng bước nâng cao nhận thức, cảnh giác đối với những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm mục đích phá hoại công cuộc xây dựng đất nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Ở cấp tỉnh, đội ngũ báo cáo viên pháp luật đều có trình độ, chuyên môn đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ đặt ra. Ở cấp cơ sở, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật am hiểu địa bàn, hiểu rõ văn hóa, đời sống đồng bào, bám sát thực tiễn, có quan hệ mật thiết với quần chúng Nhân dân.
Hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc thiểu số, người biết tiếng dân tộc thiểu số, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số vẫn được duy trì, thường xuyên phối hợp với các cấp ủy, chính quyền ở cơ sở thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho Nhân dân và đồng bào dân tộc thiểu số, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và nhu cầu xã hội.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục phổ biến pháp luật, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quan tâm, thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Đổi mới cơ chế cung cấp thông tin, biên tập nội dung các tài liệu. Đồng thời, chú trọng đến việc chi trả chế độ, thù lao người trực tiếp tham gia tuyên truyền. Khuyến khích, động viên đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên sử dụng tiếng dân tộc thiểu số để phổ biến giáo dục pháp luật. Thường xuyên rà soát đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là người dân tộc thiểu số, người biết tiếng dân tộc, người có uy tín để đề xuất với các bộ, ngành, Trung ương tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách ưu tiên khi tham gia công tác phổ biến pháp luật./.