Trong những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, trên công trường xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình. Với khí thế “Tất cả vì dòng điện ngày mai của tổ quốc”, tập thể Công ty sông Đà đã tập trung sức lực hoàn thành các mục tiêu thi công, chặn dòng ngăn sông Đà, nâng cao độ thân đập đón lũ, phát điện tổ máy 1 đúng tiến độ. Để hoàn thành mục tiêu đó, cần thiết phải có cơ sở phục vụ việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề, người lao động kỹ thuật trực tiếp đáp ứng nhu cầu nhân lực ngày càng cao của các doanh nghiệp trong và ngoài Tổng công ty sông Đà. Với mục đích đó, Trường Quản lý nghiệp vụ kỹ thuật sông Đà ra đời.
Những năm tháng sau thành lập, nhà trường trải qua nhiều lần đổi tên như: Trường Công nhân cơ giới xây dựng Việt Xô sông Đà, Trường công nhân kỹ thuật Việt Xô sông Đà trước khi giữ lại tên trường ngày nay là Trường Cao đẳng nghề sông Đà. Thời kỳ này, nhà trường trải qua nhiều thăng trầm khó khăn: Nhu cầu tuyển dụng nhân lực của Tổng Công ty giảm mạnh làm giảm lượng học sinh vào trường; tuyển sinh không đủ chỉ tiêu đào tạo, cơ sở vật chất của trường bị xuống cấp; trang thiết bị cũ, lạc hậu cả về tính năng và công suất; kinh phí đào tạo hạn hẹp, thu nhập của cán bộ công nhân giảm… Mặc dù cậy, tập thể cán bộ công nhân viên nhà trường vẫn cố gắng vươn lên, vừa làm tròn vai trò với gia đình, vừa làm tốt công việc nhà trường, liên tục hoàn thành rất nhiều khóa đào tạo công nhân của các đơn vị thành viên gửi đến. Đồng thời, duy trì quy mô đào tạo bình quân 550 đến 650 học sinh/năm. Mỗi năm, trường vẫn đào tạo khoảng 600 học sinh, cán bộ kỹ thuật có tay nghề cao tốt nghiệp về trường.
Trước sự phát triển không ngừng của Tổng Công ty, nhiệm vụ đặt ra cho nhà trường là cung cấp phần lớn cán bộ, công nhân kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp thành viên trên khắp mọi miền tổ quốc, góp phần xây dựng Tổng Công ty trở thành tập đoàn kinh tế lớn mạnh. Nhà trường, cùng với sự giúp sức của đơn vị cấp trên và các đơn vị bạn đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy nhằm chuẩn hóa, đưa quy mô đào tạo lên một tầm cao mới. Đến nay, nhà trường đã xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc tế ISO 9001 – 2000. Nhờ đó kiện toàn lại hệ thống quản lý từ các bộ phận Phòng, Khoa, Tổ Bộ môn đến toàn trường. Công tác quản lý, tổ chức đào tạo được thuận lợi, chất lượng đào tạo không ngừng được nâng lên.
Với phương châm “Để có trò giỏi thì thầy phải giỏi”, nhà trường luôn coi trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; riêng năm 2003 đã tuyển bổ sung 21 cán bộ, giáo viên thay thế cho những người đã nghỉ chế độ hoặc chuyển công tác; tạo điều kiện cho CB GV học tập, bồi dưỡng định kỳ. Hàng năm có từ 10 đến 15 giáo viên được luân phiên cử đi học sau đại học, đại học và các khoá tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ. 100% đội ngũ giáo viên đã được phổ cập trình độ sư phạm bậc 2, đạt chuẩn về cơ cấu, trình độ lý thuyết, thực hành và nghiệp vụ sư phạm dạy nghề, giáo viên trình độ đại học và sau đại học đạt 64,8%. Đưa kết quả đào tào đạt tới mốc ấn tượng với trên 68.000 nhân lực kỹ thuật có chất lượng. Trong đó: dạy nghề chính quy 35.125 người; lái xe ô tô các hạng: 28.800 người; liên kết với các trường Đại học, cao đẳng đào tạo được gần 5.000 cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học, cao đẳng. Ngoài ra, trường đã tổ chức bồi dưỡng và thi nâng bậc công nhân ngành xây dựng 3000 lượt người, góp phần cung cấp nhân lực cho các doanh nghiệp thuộc khối xây dựng và xã hội phục vụ sự nghiệp CNH – HĐH đất nước.
Ghi nhận những thành tích đã đạt được, nhà trường được Đảng và Nhà nước trao tặng 01 Huân chương Lao động hạng Nhất; 01 Huân chương lao động hạng Nhì; 4 Huân chương lao động hạng Ba, 5 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 31 Bằng khen của Bộ xây dựng; 5 cờ thi đua của Bộ xây dựng; 4 Chiến sĩ thi đua ngành Xây dựng, 5 giáo viên được nhận giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi. Năm 2015, nhân kỷ niệm tròn 30 năm xây dựng và phát triển, nhà trường vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương lao động hạng Nhất. Đây là kết quả của sự thống nhất ý chí và hành động, của tinh thần đoàn kết, đồng lòng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo và tập thể sư phạm Nhà trường qua nhiều thế hệ kế tục trong suốt 30 năm. Đó cũng là sự tôn vinh, ghi nhận thành quả của Nhà trường trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, góp phần khẳng định vị thế và thương hiệu của Nhà trường trong lĩnh vực Dạy nghề.