Thời gian qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều chủ trương, văn kiện lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 1.155 văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 23-NQ/TW. Các văn bản đã tập trung vào 5 định hướng được xác định trong chủ trương và giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 23 để thể chế hóa một số chủ trương chính sách liên quan đến doanh nghiệp, khuyến khích các thành phần kinh tế trong tỉnh đầu tư vốn, công nghệ phát triển sản xuất, dịch vụ; thực hiện cơ chế "Nhà nước và nhân dân cùng làm", huy động có hiệu quả nguồn vốn trong nhân dân xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn trên mọi lĩnh vực để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương cũng như ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm đặc biệt đến việc định hướng, ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nền kinh tế, lấy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân là nhiệm vụ trung tâm; gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái; quan tâm đến công tác xóa đói, giảm nghèo, khuyến khích làm giàu chính đáng. Thời gian qua tỉnh đã thực hiện sắp xếp chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước. Năm 2003 trên địa bàn tỉnh có 54 doanh nghiệp Nhà nước, đến nay có 05 doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, 01 doanh nghiệp chuyển sang hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên và 01 doanh nghiệp Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ. Khu vực kinh tế tư nhân có nhiều phát triển, lũy kế đến hết năm 2021, toàn tỉnh ước có 4.180 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký gần 60.000 tỷ đồng gấp hơn 14 lần so với thời điểm năm 2003 (hết năm 2003 mới có 298 doanh nghiệp). Kinh tế tập thể phát triển, tới nay toàn tỉnh có 475 hợp tác xã. Hoạt động của các Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã tiếp tục đổi mới và từng bước phát triển theo hướng nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng yêu cầu của thị trường, góp phần giải quyết việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho thành viên tham gia và người lao động. Bên cạnh đó, hạ tầng nông thôn và vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc. Từ năm 2003 đến nay, tỉnh đã tăng cường đầu tư nâng cấp các tuyến đường huyện, xã, thôn xóm. Đặc biệt chú trọng phát triển đường giao thông nông thôn bảo đảm phương tiện giao thông cơ giới đến các trung tâm xã, thuận tiện, thông suốt; kết hợp giữa phát triển giao thông với xây dựng nông thôn mới. Công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả, tỷ lệ hộ nghèo năm 2004 là 9,19% đến năm 2021 là 6,24% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. 100% người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, người sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được cấp phát miễn phí thẻ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; 100% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 76% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; chất lượng cuộc sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, đời sống nông thôn, miền núi có nhiều đổi mới….
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, đảm bảo phát huy dân chủ, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới được các cấp ủy Đảng xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, thống nhất trong từng cấp ủy, tổ chức đảng. Phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng có nhiều đổi mới, đảm bảo giữ vững vai trò hạt nhân trong hệ thống chính trị, đồng thời phát huy dân chủ, tính chủ động, sáng tạo và có trách nhiệm của các cơ quan chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp và quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân.
Nhìn chung, sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, kinh tế, xã hội của tỉnh có bước phát triển mạnh, đời sống nhân dân được nâng lên; hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường và củng cố, đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về tư tưởng, đổi mới trong công tác lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Chính quyền các cấp thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; kịp thời giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công nhân, không để xảy ra điểm nóng, phức tạp trên địa bàn. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tăng cường đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động, tập trung hướng về cơ sở; thực hiện tốt vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân; phát huy tốt vai trò của nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Hệ thống Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp được kiện toàn, củng cố; giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng khối đoàn kết dân tộc và đồng thuận xã hội./.