Thực hiện chỉ đạo của Trung ương về tín dụng chính sách, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị kịp thời ban hành các văn bản cụ thể, hướng dẫn triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chỉnh sách xã hội. Hằng năm, tỉnh đã bố trí nguồn vốn ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho các đối tượng chính sách chính sách vay vốn. Ban Đại diện Hội đồng quản trị cấp tỉnh, cấp huyện, đội ngũ cán bộ, nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội phát huy tốt vai trò chỉ đạo, giám sát, diều hành, tác nghiệp hoạt động tín dụng sách xã hội. Công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ quản lý vốn tín dụng cho cán bộ kiêm nhiệm thực hiện công tác tín dụng chính sách được quan tâm, chú trọng. Từ năm 2021 đến ngày 31/5/2024, đã tổ chức tập huấn cho gần 500 lượt Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, hơn 2.200 lượt cán bộ Hội, hơn 500 lượt cán bộ Ban giảm nghèo xã, gần 5.000 lượt trưởng thôn, gần 20.000 lượt Ban quản lý tổ Tiết kiệm và vay vốn. Cơ sở vật chất, việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động tín dụng chính sách được đầu tư quan tâm, 100% xã, phường, thị trấn có điểm giao dịch.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện triển khai 20 Chương trình tín dụng chính sách. Giai đoạn từ năm 2021 đến ngày 31/5/2024 có trên 102.000 hộ nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các Chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, góp phần to lớn vào công tác giảm tỷ hộ nghèo của tỉnh. Đến năm 2023, số hộ nghèo toàn tỉnh hiện còn trên 20.300 hộ, chiếm tỷ lệ 9,2%, giảm 6,29% so với năm 2021; số hộ cận nghèo toàn tỉnh còn gần 19.700 hộ, chiếm tỷ lệ giảm 8,92%, giảm 1,73%.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thường xuyên phối hợp với các đơn vị truyền thông thực hiện tốt công tác thông tin tuyền truyền về chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, khuyến khích các hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách, hộ dân tộc thiểu số tham gia vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội trong thời gian qua luôn được Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp và các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện, góp phần tích cực trong việc nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành, phát huy tính chủ động trong công tác phòng ngừa sai phạm và kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế trong hoạt động tín dụng chính sách. Chất lượng tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội được duy trì ổn định. Toàn tỉnh có 91 xã không có nợ quá hạn, chiếm 60,3%/tổng số xã. Có 10/40 đơn vị Hội đoàn thể cấp huyện không có nợ quá hạn, 518 Hội đoàn thể cấp xã không có nợ quá hạn. Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh là trên 4,78 tỷ đồng. Từ năm 2021 đến năm 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã xử lý nợ rủi ro 112 món vay, với số tiền trên 2.600 triệu đồng.
Việc huy động nguồn lực tài chính của Trung ương và địa phương đã đáp ứng cơ bản nhu cầu nguồn vốn hàng năm. Tính tháng 5/2024, tổng nguồn vốn huy động được là trên 5.000 tỷ đồng, tăng 1.700 tỷ đồng so với năm 2020. Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh và các huyện, thành phố đã quan tâm, dành một phần vốn Ngân sách ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tổng nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương tính đến tháng 5/2024 đạt trên 201 tỷ đồng chiếm tỷ trong 4% tổng nguồn vốn, tăng 453 tỷ đồng so với năm 2020.
Tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách đến ngày 31/5/2024 đạt trên 5.000 tỷ đồng/102.105 hộ vay còn dư nợ, tăng hơn 1.700 tỷ đồng so với 31/12/2020. Bình quân dư nợ 50 triệu đồng/hộ; dư nợ bình quân 508 tỷ đồng/huyện và 33,7 tỷ đồng/xã. Hộ đồng bào dân tộc thiểu số dư nợ trên 4.100 tỷ đồng, chiếm 82,83% tổng dư nợ. Các chương trình tín dụng chính sách đã đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người dân. Giai đoạn từ năm 2021 đến nay đã có hơn 86.300 lượt hộ nghèo và hộ dân tộc thiểu số được vay vốn, chiếm 84,8% tổng số hộ vay vốn. Nhờ nguồn vốn từ Ngân hàng, trên 64.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã xây dựng; hơn 300 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; hơn 24.000 lao động có việc làm mới; hơn 300 lao động có tiền để đi làm việc ở nước ngoài,…
Toàn tỉnh hiện có trên 2.400 tổ Tiết kiệm và Vay vốn hoạt động ổn định, với trên 141 tỷ đồng, tăng 36 tỷ đồng so với năm 2020. Các tổ Tiết kiệm và Vay vốn hoạt động ổn định và đang phát huy hiệu quả tích cực trong thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Công tác nhận tiền gửi qua tổ hằng nắm luôn hoàn thành 100% kế hoạch giao. Hoạt động của 151 điểm giao dịch tại đơn vị hành chính cấp xã ngày càng ổn định và đi vào nề nếp, hiệu quả, được Nhân dân, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đánh giá cao. Đây là bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính và là một đặc thù riêng có của Ngân hàng Chính sách xã hội, thể hiện tinh thần phục vụ, trách nhiệm của cán bộ đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Kết quả hoạt động tại điểm giao dịch xã giải quyết được trên 90% giao dịch của khách hàng với Ngân hàng Chính sách xã hội./.