Công trình cầu Hòa Bình 3 và đường dẫn thuộc chương trình đô thị miền núi phía Bắc - thành phố Hòa Bình. Công trình có tổng mức đầu tư là 434,55 tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA vay là 404,25 tỷ đồng và phần vốn đối ứng là 30,3 tỷ đồng. Công trình đã được thông xe kỹ thuật vào tháng 1/2020. Tới nay, sau gần 03 năm thông xe, cầu Hòa Bình 3 đã phát huy hiệu quả tích cực, giảm tải áp lực cho cầu Hòa Bình 1, kết nối khu vực bờ trái với bờ phải của thành phố và kết nối khu vực trung tâm của tỉnh Hòa Bình với các tỉnh lân cận; mở rộng không gian đô thị, tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố Hòa Bình nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến ngày 20/10/2022, tổng số kế hoạch vốn đã giải ngân là 2.221,5 tỷ đồng, đạt 56% so với số kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 47% so với số kế hoạch Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao chi tiết đến các dự án. Trong đó, vốn ODA mới giải ngân được 118,5 tỷ đồng, đạt 28%.
Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2022 – 2025, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về phê duyệt định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2022 – 2025. Trong giai đoạn này, tỉnh định hướng thu hút vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài vào việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trường; Phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; năng lượng, nông nghiệp và phát triển nông thôn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; các lĩnh vực y tế - văn hóa - giáo dục.
Tỉnh định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2022-2025 như sau: Tranh thủ, tận dụng nguồn vốn vay ODA còn lại của các nhà tài trợ đa phương, tiếp tục tập trung vào những nhà tài trợ cung cấp nhiều vốn ODA. Đặc biệt chú trọng thu hút và sử dụng vốn ODA từ nhóm 6 Ngân hàng phát triển.
Vốn vay ưu đãi của WB, OCR, ADB cùng với vốn vay Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức cần được định hướng cho các chương trình dự án hạ tầng kinh tế, xã hội quan trọng có quy mô lớn (trong giao thông, thủy lợi, các chương trình hỗ trợ ngân sách có mục tiêu tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu). Các điều kiện vay cũng cần được xem xét đàm phán chủ động với các nhà tài trợ để phù hợp với các ưu tiên phát triển cụ thể của Việt Nam cùng với khả năng vay, trả nợ của tỉnh trong trường hợp cho vay lại.
Đồng thời tận dụng hỗ trợ kỹ thuật và viện trợ không hoàn lại của một số nhà tài trợ khác để tăng cường năng lực, chuyển giao kỹ thuật và công nghệ, hỗ trợ phát triển trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, xã hội. Chú trọng phối hợp với các nhà tài trợ để tiếp cận và thu hút các nguồn viện trợ từ các Quỹ toàn cầu và khu vực đặc biệt cho lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu.
Tiếp tục duy trì quan hệ với nhiều đối tác, tổ chức tài trợ; hợp tác chặt chẽ với các nhà tài trợ xây dựng các chương trình, kế hoạch, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong 5-10 năm và xây dựng một kế hoạch chuyển dần ra khỏi giai đoạn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Tỉnh sẽ triển khai các giải pháp về: Chính sách thu hút để triển khai các quy định liên quan đến quản lý thống nhất, sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình theo quy định của các Luật, Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương. Giải pháp về tổ chức, điều hành, thúc đẩy tiến độ thực hiện các chương trình, dự án; Giải pháp về tổ chức thực hiện chương trình, dự án; Giải pháp về nâng cao hiệu quả thu hút của các nhà tài trợ nước ngoài nhằm đạt được hiệu quả đề ra./.