Trong lĩnh vực chăn nuôi, đến nay trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được hình thành và hoạt động có hiệu quả như: Đã thành lập được 60 Hợp tác xã chăn nuôi, có 28 Hợp tác xã liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi. Tất cả các quy trình từ sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sản phẩm đều được thực hiện và kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá trị cao. Nhờ đó, doanh nghiệp phát triển, người nông dân sống “khỏe” với sản xuất nông nghiệp; mối liên kết ngày càng bền chặt.
Theo cáo của Cục Thống kê, đến tháng 5/2022 tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh hiện có: Trâu hơn 113 nghìn con, Bò trên 86 nghìn con, Lợn khoảng 430 nghìn con, Dê 52 nghìn con, gia cầm trên 8,1 triệu con.
Về chăn nuôi tập trung công nghiệp hiện có 71 cơ sở chăn nuôi gia cầm, sản xuất khoảng 7 triệu con gia cầm thương phẩm/ năm, 27 triệu con gà giống/năm và 37 triệu quả trứng giống/năm; Có 41 trang trại chăn nuôi lợn nái và hậu bị quy mô từ 300-3.000 con cung cấp khoảng 517.500 con lợn giống/năm và 97.000 con lợn hậu bị/năm; Có 07 trang trại chăn nuôi bò, trong đó có 03 trang trại của công ty T&T 159 quy mô 7.000 con bò thịt và bò cái sinh sản, 04 trang trại chăn nuôi bò vỗ béo BBB quy mô 100 con. Bên cạnh đó hiện đang có nhiều các trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ phát triển chăn nuôi một số giống vật nuôi của địa phương như: Gà Lạc Thủy, Lạc Sơn, Dê và Lợn bản địa...
Nhờ thực hiện tốt việc liên kết sản xuất, đã tạo cơ sở vững chắc để các địa phương xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm vật nuôi có lợi thế của địa phương đã được quan tâm triển khai thực hiện, đã được cấp giấy chứng nhận các nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm: "Gà Lạc Sơn", "Gà Lạc Thủy", "Lợn Bản địa Đà Bắc", "Dê Lạc Thủy", "Dê núi Lương Sơn" có truy xuất nguồn gốc.
Toàn hiện hiện có 15 sản phẩm OCOP chăn nuôi: Gà tươi nguyên con của Hợp tác xã Chăn nuôi gà Lạc Thủy được xếp hạng 4 sao; Gà tươi nguyên con của Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Hải Đăng; sản phẩm Gà Lạc Sơn của Hợp tác xã chăn nuôi gà Hương Nhượng được xếp hạng 3 sao; Gà Thuận Phát của Hợp tác xã Nông nghiệp & Dịch vụ Thuận Phát được xếp hạng 3 sao; thịt dê núi Lương Sơn; Vịt Cổ xanh Mường Hịch; Thịt lợn đen Mường Pa và 08 sản phẩm mật ong được xếp hạng 03 sao.
Nhìn chung, việc đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi. Cùng với đó hiện tỉnh và các địa phương đang tích cực thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm góp phần gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, công nghiệp sạch; tổ chức lại các HTX, tổ hợp tác để làm đầu mối kết nối với các doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm…Những thành công trên trở thành động lực để ngành nông nghiệp địa phương tiếp tục mở rộng liên kết chuỗi sản xuất để tiếp tục tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường./.