DetailController

Văn hóa

Phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội

09/03/2022 00:00
Nghị quyết số 22, ngày 7/11/2018 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trong tình hình mới nêu rõ và yêu cầu: Các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo phát triển toàn diện các lĩnh vực trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số; gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội và thực hiện các chính sách dân tộc. Trên cơ sở huy động và ưu tiên các nguồn lực để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, chú trọng phát triển nguồn nhân lực. Giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.
Trong 3 năm qua, tỉnh đã tổ chức trên 17,5 nghìn buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng, phục vụ cho trên 3,2 triệu lượt xem

Thực hiện Nghị quyết số 22 của BTV Tỉnh ủy, những năm qua, công tác văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm thực hiện, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ nhân các ngày lễ, sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh. Thời gian qua tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện có quy mô như: Tuần văn hóa, du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2019; UBND tỉnh ban hành “Đề án bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình năm 2019 – 2025 và những năm tiếp theo”; tổ chức hội nghị chuyên đề công tác quản lý nhà nước về di tích và lễ hội trên địa bàn tỉnh. Phục dựng một số trò chơi dân gian tiêu biểu của dân tộc Mường phục vụ nhân dân. Duy trì các lớp truyền dạy các lớp dân ca, dân vũ, diễn xướng cho con em các dân tộc, cán bộ văn hóa cơ sở góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của 1.482 đội văn nghệ quần chúng, nhiều câu lạc bộ văn hóa hoạt động tại cơ sở thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Trong 3 năm (2019- 2021) các đội văn nghệ cơ sở đã tổ chức được 17.556 buổi biểu diễn, phục vụ trên 3,2 triệu lượt người xem. Qua các hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng đã góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân, bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương.

Để phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, hàng năm các địa phương đã quản lý, tổ chức trên 50 lễ hội văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch và nhiều hoạt động khác. Hiện đã xếp hạng di tích cấp tỉnh cho 11 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh; tu bổ, tôn tạo 05 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; tổ chức 03 lớp bồi dưỡng công tác bảo tồn phát huy di sản văn hóa phi vật thể cho gần 200 nghệ nhân của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; phối hợp tổ chức tập huấn về công tác tuyên truyền, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số cho 65 cán bộ làm công tác văn hóa, già làng, trưởng bản; mở 01 lớp truyền dạy nghề thủ công truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số tại huyện Lạc Sơn cho 70 học viên.

Bên cạnh đó vận động nhân dân tích cực thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội phù hợp với phong tục tập quán, bản sắc văn hóa đặc trưng của từng dân tộc.Quan tâm đẩy mạnh phong trào tập luyện thể dục thể thao quần chúng và các môn thể thao thành tích cao, các môn thể thao dân tộc đã đạt nhiều thành tích cao trong khu vực miền núi phía Bắc. Tỉnh đạt nhiều thành tích cao như: Xếp thứ Nhất toàn tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ XI, khu vực I với 17 huy chương; xếp thứ tư trong ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XIV năm 2019….

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định quan điểm chỉ đạo “phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần”. Trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 hiện nay và chủ trương nhanh chóng khôi phục lại kinh tế thì sự quan tâm, coi trọng văn hóa càng trở nên bức thiết. Trong đó cần đặc biệt chú trọng kết hợp hài hòa, coi trọng giá trị văn hóa là nền tảng tạo sự bền vững trong phát triển, từ đó thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội địa phương./.