DetailController

Văn hóa

Phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong hội nhập quốc tế

11/06/2020 00:00

Là tỉnh nổi tiếng với nền văn hóa Hòa Bình, có 6 dân tộc cùng chung sống, trong đó có tới 65% người dân tộc Mường, với nhiều nét giá trị văn hóa độc đáo riêng biệt. Những năm gần đây, tỉnh đang phát triển mạnh về du lịch. Trong điều kiện hội nhập, những nét văn hóa truyền thống càng cần được bảo vệ và phát huy.

Liên hoan Làng du lịch Mai Châu 2017 quảng bá những nét độc đáo văn hóa địa phương tới du khách trong nước và quốc tế

Giữ gìn văn hóa từ trong đời sống thường ngày, những năm qua tỉnh đặc biệt coi trọng đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai đăng ký, bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa được tổ chức kịp thời, đúng quy định, công khai, minh bạch và được cộng đồng dân cư tích cực hưởng ứng. Việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội được thực hiện theo đúng quy định, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh. Chất lượng phong trào từng bước được nâng lên. Đến hết năm 2019 đã có 81,9% gia đình văn hóa, 69,6% làng, bản, tổ dân phố, trên 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn văn hóa. Thông qua phong trào đã góp phần giữ vững an ninh trật tự ở khu dân cư, đẩy lùi tệ nạn xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống ngày càng được quan tâm. Thông qua công tác nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa các tư liệu để đánh giá giá trị của từng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp bảo tồn, khai thác giá trị phù hợp và đạt hiệu quả thiết thực, phục vụ công tác giáo dục truyền thống, quảng bá phát triển du lịch và góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đưa văn hóa trở thành sản phẩm du lịch lợi thế của tỉnh. Năm 2017, di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường đã được tổ chức UNESCO đưa vào danh mục bảo trợ di sản phi vật thể của nhân loại. Tỉnh đã chỉ đạo thực hiện Đề án và hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường Hòa Bình trình tổ chức UNESCO thế giới công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại như: Xây dựng và triển khai đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu các dân tộc tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2018 – 2030”, Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình năm 2019 – 2025 và những năm tiếp theo”, tái bản cuốn sách “Mo Mường Hòa Bình” theo bộ chữ Mường, hoàn thành một phần nội dung của cuốn từ điển Mo Mường.

Thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn, bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa vật thể, thời gian qua đã trình UBND tỉnh xếp hạng 19 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh; trùng tu, tôn tạo 02 di tích văn hóa cấp Quốc gia. Quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy tốt giá trị của 41 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 56 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã được bảo tồn như: các lễ hội truyền thống dân tộc Tày tỉnh Hòa Bình, lễ hội khai mùa Mường Thàng, lễ hội Mường Động, lễ hội Gàu Tào, lễ hội Cầu Mường…thành lập ra mắt câu lạc bộ Mo Mường, câu lạc bộ hát di sản Thường đang, bọ mẹng; mở các lớp truyền dạy nghệ thuật Chiêng Mường, nghệ thuật hát Thường đang, bọ mẹng dân tộc Mường, nghệ thuật hát dân tộc Thái…..

Trong thời đại hội nhập quốc tế, việc đưa thông tin quảng bá giới thiệu về hình ảnh, sản phẩm văn hóa địa phương rộng rãi với bè bạn quốc tế là đặc biệt cần thiết. Do đó thời gian qua, ngành văn hóa đã tổ chức nhiều hoạt động như: Tham gia hoạt động văn hóa tại Làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam, tham gia liên hoan múa quốc tế…để giao lưu và quảng bá văn hóa với các nước. Nhiều lễ hội truyền thống được các địa phương tổ chức trang trọng, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với phong tục tập quán, gắn với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các di tích lịch sử văn hóa, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân, tạo sức hút đối với du khách, đặc biệt là du khách quốc tế. Qua đó giới thiệu những truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng tới quốc tế.

Nhìn chung, cùng với tiến trình hội nhập quốc tế, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa có nhiều tiến triển, phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; các hoạt động hội nhập quốc tế được lồng ghép trong quá trình xây dựng, triển khai trong chiến lược bảo tồn phát huy và quảng bá văn hóa. Phân cấp quản lý di tích các di tích phi vật thể tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện quản lý nhà nước về di tích, tạo cơ chế thuận lợi để đẩy mạnh công tác xã hội hóa phát huy giá trị di tích, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.