DetailController

Tin từ các đơn vị

Phát huy các lợi thế nhằm nâng cao công tác thu hút đầu tư

05/04/2022 00:00
Vốn đầu tư là một trong ba trụ cột quan trọng, có ý nghĩa then chốt và là động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội của cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng. Những năm qua tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều giải pháp để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp.
Trong các Khu công nghiệp của tỉnh có 102 dự án đầu tư, trong đó có 75 dự án đầu tư trong nước, chiếm 11,43% tổng số dự án trên địa bàn tỉnh

Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 656 dự án còn hiệu lực hoạt động; trong đó có 39 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 616,362 triệu USD và 617 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 140.400 tỷ đồng. Các dự án đầu tư đã góp phần quan trọng mở rộng quy mô kinh tế của tỉnh, trung bình hàng năm đóng góp khoảng 50% tổng sản sẩm GRDP, đóng góp trên 30% tổng thu NSNN, với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt 6,31%/năm, cao hơn mức bình quân chung cả nước. Thứ hạng một số chỉ tiêu kinh tế được cải thiện so với giai đoạn trước và có thứ hạng khá cao so với các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Để hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, việc huy động vốn đầu tư tư nhân và vốn FDI có ý nghĩa quyết định đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Muốn vậy, thời gian tới công tác thu hút đầu tư của tỉnh cần có định hướng rõ ràng, với những giải pháp khả thi, có tính đột phá. Trong đó, cần phải tận dụng có hiệu quả các lợi thế, yếu tố phải kể đến là điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư kinh doanh, các chính sách thu hút đầu tư…Hòa Bình là nằm trong quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô và tiếp giáp với thủ đô Hà Nội, cửa ngõ vào khu vực Tây Bắc, có cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn đấu tư, khoa học công nghệ và lao động có chất lượng cao từ vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với thành phố Hà Nội, thông qua các hoạt động hợp tác, liên kết với thành phố Hà Nội và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm.

Phát huy các lợi thế về cơ sở hạ tầng, trong đó hệ thống đường bộ đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển hàng hóa, hành khách. Những năm qua tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ. Ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Trong 5 năm đã dành trên 5 nghìn tỷ đồng (chiếm 33% tổng số vốn đầu tư công), bên cạnh đó cũng chú trọng thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư các công trình giao thông lớn theo hình thức đối tác công tư và huy động các nguồn lực của Nhân dân để phát triển giao thông nông thôn. Nhiều công trình giao thông đã và đang được đầu tư xây dựng mới như đường Hòa Lạc – Thành phố Hòa Bình; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6, Quốc lộ 21, Quốc lộ 12B, đường liên huyện các xã vùng cao huyện Lạc Sơn, Tân Lạc…Đến nay, toàn tỉnh có trên 11.238km đường giao thông các loại, chất lượng mặt đường được nâng lên đáng kể. Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp cũng đang được triển khai đầu tư. Các Khu công nghiệp đều được quy hoạch dọc theo các tuyến đường Hòa Lạc – Thành phố Hòa Bình, Quốc lộ 6 và đường Hồ Chí Minh, gần với Thành phố Hà nội. Các cụm công nghiệp được quy hoạch tại trung các huyện, vùng động lực nên thuận lợi cho việc giao thương, luân chuyển hàng hóa. Hạ tầng điện cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là cung cấp điện phục vụ sản xuất kinh doanh. Hiện nay 100% xã đã được cung cấp bằng điện lưới quốc gia. Các hạ tầng khác như nước sạch, đô thị, khách sạn, dịch vụ vui chơi giải trí; mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo cơ bản đáp ứng nhu cầu của Nhân dân.

Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, các cơ quan Nhà nước đã chủ động, sâu sát trong công tác quản lý, điều hành, đảm bảo có trọng tâm, rõ nhiệm vụ của từng tổ chức, cá nhân. Việc cụ thể hóa các chính sách, cơ chế và công tác quy hoạch được chú trọng, công khai, minh bạch. Tập trung chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong đó xác định cải cách hành chính là khâu đột phá để cải thiện PCI. Ngoài ra, tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, thu hút đầu tư, tạo hành lang pháp lý, khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh.

Nguồn nhân lực cũng là yếu tố quan trọng phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh Hòa Bình có dân số đứng thứ 49 cả nước, trong đó, độ tuổi lao động chiếm 61,7% dân số. Chất lượng lao động đang có chuyển biến rõ rệt qua các năm, cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực…

Nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, tỉnh chủ trương lựa chọn các nhà đầu tư có chất lượng, hiệu quả thông qua việc ban hành Bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư và tăng cường chỉ đạo, đôn đốc triển khai các dự án đầu vốn ngoài ngân sách cũng như các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh; tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư, đối thoại trực tiếp giữa chính quyền và các nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện dự án. Quyết liệt chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến đầu tư, thuế, xây dựng, giao đất, cho thuê đất…

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi hiện nay các yếu tố tác động đến hiệu quả thu hút đầu tư vẫn còn nhiều hạn chế; việc phát huy, khai thác chưa đủ mạnh, hiệu quả chưa cao. Vì vậy, cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới để tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đưa tỉnh Hòa Bình phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc./.