Đáng nói, đây không phải lần đầu người dân địa phương dùng cách này để buộc các mỏ khai thác đá phải có trách nhiệm trong việc gây ô nhiễm môi trường và nổ mìn gây lún, nứt nhà dân. Ngày 21/4/2022, người dân đã có hành động tương tự. Bà Bạch Thị Dậu, thôn Đồng Om bức xúc: Cực chẳng đã chúng tôi mới dùng gậy gộc, đất đá... để cản trở hoạt động của các công ty khai thác đá. Hoạt động của các mỏ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân, gây tiếng ồn, khói bụi, nổ mìn làm rung chấn, hư hỏng nhà cửa. Mỗi ngày còn có hàng trăm chuyến xe tải chở đá chạy qua làm hệ thống đường giao thông hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng...
Trước thực trạng trên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN&MT đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật, hồ sơ pháp lý về KTKS của 6 doanh nghiệp hoạt động tại khu vực Đồng Om, bao gồm: Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển Phú Đỉnh, Công ty CP Cao Dương Phát Đạt, Công ty CP đầu tư Hoàng Đạt, Công ty CP KTKS Lương Sơn, Công ty TNHH công nghiệp dầu nhớt Valine, Công ty TNHH MTV Thạch Kim Hòa Bình. Quá trình kiểm tra hồ sơ pháp lý về thiết kế, KTKS, môi trường, sử dụng đất, sử dụng vật liệu nổ, an toàn lao động, nghĩa vụ tài chính trong hoạt động KTKS..., các cơ quan chức năng đã ghi nhận, phát hiện các doanh nghiệp này còn nhiều sai phạm. Như qua kiểm tra thực tế khu vực khai thác, chế biến khoáng sản; đo đạc, xác định khoảng cách an toàn trong nổ mìn từ điểm khai thác đến nhà ở của các hộ dân trong phạm vi hoạt động KTKS của 6 công ty cho thấy, có 6/42 hộ nằm trong khoảng cách nổ mìn từ 230 - 300 m (Công ty CP đầu tư Hoàng Đạt 1 hộ; Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển Phú Đỉnh 2 hộ; Công ty TNHH MTV Thạch Kim Hòa Bình 3 hộ). Thực tế kiểm tra tuyến đường từ các mỏ đá ra đường Hồ Chí Minh đã bị hư hỏng, xuống cấp do quá trình xe vận chuyển đá đi lại; hoạt động khai thác, chế biến của các mỏ đá trong khu vực có phát sinh khói, bụi, ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân và an toàn giao thông trong khu vực.
Tại thời điểm kiểm tra, các cơ quan chức năng cũng phát hiện Công ty CP Cao Dương Phát Đạt chưa thực hiện thủ tục thuê đất; chưa được UBND tỉnh cho chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích 18,51 ha thực hiện dự án, trong đó có 14 ha núi đá, 4,51 ha mặt bằng chế biến nhưng đã xây dựng cơ bản một số hạng mục công trình và hoạt động khai thác mỏ; Công ty CP KTKS Lương Sơn chưa thực hiện thủ tục thuê đất đối với diện tích 98.692,5 m2; Công ty TNHH công nghiệp dầu nhớt Valine khai thác ra ngoài ranh giới được cấp phép, khai thác lấn sang phần diện tích mỏ của đơn vị khác.
Theo đồng chí Nguyễn Trần Anh, Giám đốc Sở TN&MT, trước những vi phạm, tồn tại của các công ty nói trên, Sở TN&MT đã yêu cầu các đơn vị khẩn trương khắc phục; thường xuyên sửa chữa, nâng cấp tuyến đường từ mỏ ra đường Hồ Chí Minh; thực hiện KTKS phải đảm bảo khoảng cách an toàn để không ảnh hưởng đến người dân và tài sản của người dân theo quy định. Đồng thời, giao Thanh tra Sở lập biên bản và xử lý theo quy định của pháp luật.
Được biết, với những sai phạm còn tồn tại trong lĩnh vực môi trường như việc xây dựng các công trình bảo vệ môi trường chưa đảm bảo, không hoạt động; kho chứa chất thải nguy hại xuống cấp, không thu gom, lưu giữ chất thải nguy hại theo quy định..., Công ty CP đầu tư Hoàng Đạt đã bị xử phạt 60 triệu đồng; Công ty CP Cao Dương Phát Đạt bị xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực môi trường 90 triệu đồng, đề xuất UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo thẩm quyền 170 triệu đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm gần 234 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với Công ty CP KTKS Lương Sơn 60 triệu đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm gần 788 triệu đồng.