Phát biểu tại Hội trường vào Dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, Đoàn Hòa Bình bày tỏ quan điểm đồng tình với một số ý kiến của các đại biểu đã phát biểu và nhất trí bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội như đã được quy định tại Điểm b, Khoản 4, Điều 2. Chính sách khuyến khích mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như đã được quy định tại Điều 87. Có thể nói dự thảo luật trình ra Quốc hội lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7. Tôi xin được phát biểu một số vấn đề liên quan đến chi phí quản lý bảo hiểm xã hội được quy định tại Điều 90 của dự thảo luật cụ thể như sau: Theo một bài báo đăng trên Tạp chí Bảo hiểm xã hội Việt Nam của Tiến sỹ Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội có nêu chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, hay được gọi đầy đủ là chi phí hành chính quản lý các chế độ bảo hiểm xã hội là vấn đề đặt ra đối với hoạt động quản trị của hệ thống bảo hiểm xã hội của mọi quốc gia với tiêu chí đánh giá chung về hiệu quả, hiệu năng nhằm đạt được mục tiêu, chi phí thấp nhất, chất lượng tốt nhất. Khi nghiên cứu luật tại Khoản 2, Điều 90 có quy định về nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ chi quản lý bảo hiểm xã hội hàng năm được trích từ tiền sinh lời của hoạt động từ Quỹ bảo hiểm xã hội. Về nội dung này tôi hoàn toàn thống nhất với Ban soạn thảo là đối với thực tế Việt Nam thì việc chỉ sử dụng tiền sinh lời trong hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội, không sử dụng kinh phí từ quỹ là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, tôi rất băn khoăn việc không quy định cụ thể về tỷ lệ phần trăm trích cho chi phí quản lý bảo hiểm là bao nhiêu. Nguồn trích từ việc đầu tư sinh lời là tôi nhất trí rồi, nhưng tuy nhiên tỷ lệ trích sẽ lấy trên tổng thu bảo hiểm xã hội hay xác định tỷ lệ trích theo phần trăm kết quả đầu tư tăng trưởng quỹ hoặc có thể quy định tỷ lệ trích mức cho phần đó là ở mức sàn, mức trần là bao nhiêu thì hiện nay là chưa được quy định ở trong thực tế.
Sau đây tôi xin đưa ra một số số liệu mà tôi có được:
Thứ nhất, trước khi Luật Bảo hiểm xã hội được ban hành thì mức dự toán chi phí quản lý bảo hiểm xã hội được tính là 4,5% trên tổng thu hàng năm. Năm 2006 là 3,6% trên tổng thu, năm 2007 là 3,43%, năm 2008 là 3,46%, năm 2011 là 2,8%, năm 2012 là 2,64%, năm 2013 là 2,34%. Có thể nói rằng chi phí quản lý bảo hiểm xã hội phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là mô hình quản lý bảo hiểm xã hội. Việc thiết kế các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội và khối lượng công việc quản lý năng lực của hệ thống quản lý. Mức độ ứng dụng của công nghệ thông tin và kết quả hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, như số liệu tôi đã nêu ở trên về tỷ lệ phần trăm trích cho chi phí quản lý bảo hiểm xã hội đã thực hiện ít nhất từ năm 2006 tới nay đã 8 năm nên việc tổng kết, đánh giá xây dựng các cơ sở khoa học phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam để xác định phạm vi biên độ của tỷ lệ phần trăm này là bao nhiêu để thể hiện trong luật theo tôi là hợp lý, cần thiết và hoàn toàn có tính khả thi. Hơn nữa sự cần thiết và tính hợp lý của việc xác định chi phí quản lý bảo hiểm xã hội luôn đòi hỏi phải đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch và quan trọng hơn cả là phục vụ cho mục tiêu phát triển đối tượng, mở rộng phạm vi bao phủ của hệ thống an sinh xã hội và cung cấp dịch vụ chất lượng cho người hưởng thụ.
Thứ hai, về nội dung được quy định tại Khoản 1, Điều 90, cũng liên quan tới chi phí quản lý bảo hiểm xã hội. Hiện nay, chi phí quản lý bảo hiểm xã hội được chia làm 3 nhiệm vụ chi, đó là: Chi tuyên truyền, chi cải cách thủ tục và chi cho tổ chức thu, chi bảo hiểm xã hội và hoạt động của bộ máy. Tuy nhiên, theo tôi nên bổ sung thêm một tiêu chí đó là chi phục vụ đào tạo, bồi dưỡng trình độ, năng lực của cán bộ ngành bảo hiểm xã hội. Việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng như việc nâng cao trình độ để giảm thiểu các thủ tục hành chính đối với hoạt động bảo hiểm xã hội là rất cần thiết. Vì vậy, tôi kiến nghị Ban soạn thảo bổ sung nội dung chi cho bồi dưỡng trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ ngành bảo hiểm xã hội.
Liên quan tới Điều 93, Khoản 1. Trong Điều 93, Khoản 1 có nêu "Cơ quan bảo hiểm xã hội là cơ quan nhà nước có chức năng thực hiện chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và thanh tra việc đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của luật này". Vì vậy tôi rất băn khoăn, câu hỏi đặt ra là: Vậy việc quản lý và sử dụng quỹ được thực hiện theo quy định của luật này mà đây là cơ quan nhà nước thì việc quản lý và sử dụng quỹ có chi tiêu theo Luật ngân sách nhà nước hay không? Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội có mức chi phí của các cơ quan hành chính nhà nước khác hay không? Nếu không bằng thì cao hơn hay thấp hơn các cơ quan hành chính nhà nước khác và định mức chi phí cho việc quản lý và sử dụng quỹ này sẽ do cấp nào phê duyệt? Vì vậy, tôi kiến nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc bổ sung các quy định mang tính nguyên tắc về mức chi cho quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội./.