DetailController

Trồng trọt

Phấn đấu năm 2025 toàn tỉnh trồng mới được trên 5.500 ha rừng

25/06/2024 17:03
6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 04 vụ cháy rừng ở các huyện Đà Bắc, Lạc Sơn và Thành phố Hòa Bình, chức năng rừng sản xuất. Nguyên nhân cháy rừng chủ yếu do đốt dọn thực bì sau khai thác rừng trồng dẫn đến cháy lan. Các đám cháy đã được phát hiện sớm, lực lượng Kiểm lâm đã tham mưu cho chính quyền địa phương huy động lực lượng tại chỗ chữa cháy kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, diện tích rừng bị cháy khoảng 8,89 ha và 01 người bị thiệt mạng do bị ngạt khói.
Người dân xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy phát triển nông nghiệp song song với bảo vệ rừng

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh có 108 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã, với 7.611 cá thể các loại (trong đó có 39 cơ sở nuôi động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm với 1.621 cá thể, loài nuôi gồm rắn hổ mang thường, cầy vòi hương, cầy vòi mốc và rắn hổ trâu). Các cơ sở chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về nuôi động vật hoang dã. Tổ chức quản lý chặt chẽ 442 cây trội các loại; 0,6 ha vườn cây đầu dòng; 2,4 ha vườn giống; 20,0 ha rừng giống chuyển hóa. Các nguồn giống đều đảm bảo chất lượng cho thu hoạch vật liệu phục vụ sản xuất giống. Tính đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn toàn tỉnh đã sản xuất được 14,176 triệu cây giống phục vụ trồng rừng (đạt 88,6% kế hoạch).

6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã trồng rừng tập trung 6.075,8 ha/5.550 ha đạt 109% kế hoạch; trồng cây phân tán 540.600 cây/906.200 cây đạt 60% kế hoạch. Tích cực triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch vùng sản xuất kinh doanh rừng gỗ lớn để đáp ứng nguồn nguyên liệu cho công nghệ chế biến lâm sản; đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao thu nhập cải thiện đời sống người dân sống bằng nghề rừng.

Kết quả tổng hợp đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn toàn tỉnh đã khai thác 5.939 ha rừng trồng tập trung, với khối lượng 495.839 m3 gỗ; khai thác cây phân tán được 7.224 m3 gỗ; 224.455 ste củi; 1.710.800 cây Tre, Bương, Luồng, Giang, Nứa...; 1.939,1 tấn Măng tươi ; 428 tấn dược liệu; 3.790 kg Mật ong rừng... Tổng thu nhập từ rừng của các tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt là 578.601 triệu đồng.

Trên địa bàn toàn tỉnh có 146 cơ sở chế biến lâm sản, trong đó có 39 doanh nghiệp và 107 cơ sở là hộ gia đình, cá nhân. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cơ sở đã nhập 18.657 tấn Bương, tre, luồng và 204.003 m3 gỗ nội địa. Khối lượng sản xuất trong kỳ bao gồm: đồ mộc 1.101 m3; dăm băm 90.594 tấn; ván ép 39.336 m3; bột giấy 1.200 tấn, ván bóc 33.174 tấn, viên nén 8.529,00 tấn, gỗ xẻ 15.953 m3 và các sản phẩm khác (đũa, tăm, mành) 655 tấn. Giá trị hàng hóa đạt trong kỳ 526 tỷ đồng. Trong đó: xuất khẩu đạt 118 tỷ đồng, tiêu thụ nội địa đạt 408 tỷ  đồng.

6 tháng đầu năm, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện 32 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước 295,5 triệu đồng. Các vụ vi phạm được xử lý nghiêm, đúng hành vi vi phạm, có tính răn đe cao và không có khiếu nại xảy ra.

Dự kiến đến hết năm 2024, toàn tỉnh duy trì độ che phủ của rừng ổn định trên 51,5%; khai thác đạt 700.000 m3 gỗ; hoàn thành kế hoạch trồng rừng 5.550 ha và 906,2 nghìn cây phân tán. Bảo vệ tốt toàn bộ 236.919,25 ha rừng trên địa bàn tỉnh; trong đó có 141.614,03 ha rừng tự nhiên.

Để tiếp tục làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, trong năm 2025, ngành  tiếp tục thực hiện bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, trong đó thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng rừng. Duy trì ổn định độ che phủ của rừng trên 51,5%, góp phần cải thiện môi trường, cân bằng sinh thái, chống xói mòn, hạn chế thiên tai, tạo nguồn sinh thủy và bảo tồn tính đa dạng sinh học. Khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng đất đai; xác định cơ cấu cây trồng hợp lý, nâng cao năng suất và chất lượng rừng bằng nhiều loài cây có giá trị kinh tế; xây dựng các vùng sản xuất lâm nghiệp tập trung, quy mô lớn, phát triển rừng trồng theo hướng thâm canh rừng gỗ lớn phù hợp với từng vùng sinh thái và điều kiện lập địa cụ thể, đáp ứng nhu cầu gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Phấn đấu, trồng rừng đạt 5.550 ha; trồng cây phân tán 906,2 nghìn cây; sản xuất cây giống 16 triệu cây, chăm sóc khoảng 22.000 ha rừng; khai thác gỗ rừng trồng tập trung 730.000 m3. Bảo vệ tốt toàn bộ diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh trong đó có 141.614,03 ha rừng tự nhiên. Duy trì độ che phủ rừng đạt trên 51,5%. Thực hiện tốt công tác quản lý lâm sản, quản lý các trại nuôi nhốt động vật hoang dã, các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản./.