DetailController

Tin từ các đơn vị

Phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi không quá 22,4%

05/05/2020 00:00
Theo thống kê của ngành Y tế, tính tại thời điểm năm 2019, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi ở thể nhẹ cân của tỉnh Hòa Bình ở mức 16%, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở thể thấp còi đạt 24,2%; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được uống Vitamin A đạt 100%, tỷ lệ phụ nữ sau đẻ được uống đạt trên 90%. Công tác truyền thông, giáo dục thực hành dinh dưỡng hợp lý được thực hiện thường xuyên đã góp phần nâng cao nhận thức thay đổi hành vi về dinh dưỡng hợp lý bằng các hình thức đa dạng, phong phú. Điều đó đã góp phần tích cực cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và trẻ em trong độ tuổi.
Quan tâm, chăm sóc cho trẻ em luôn được các cấp chính quyền quan tâm, thực hiện, vì mục tiêu dài hạn nâng cao thể trạng người Việt Nam

Tuy nhiên đối với tỉnh ta, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ con tại các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn ở mức rất cao. Đặc biệt là suy dinh dưỡng trẻ em ở thể thấp còi cao và khó tác động một phần do tập quán sinh hoạt của người dân, một phần do điều kiện kinh tế còn hạn chế. Do đó cần có sự quan tâm đầu tư cơ bản và lâu dài. Mặt khác trên địa bàn tỉnh chưa có cán bộ chuyên sâu về dinh dưỡng, mạng lưới nhân viên y tế thôn bản tại các thị trấn, phường có sự thay đổi gây những khó khăn nhất định trong quá trình triển khai và thực hiện các hoạt động. Tỉnh ta điều kiện kinh phí còn hạn hẹp nên gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai các hoạt động, nhất là công tác truyền thông, hướng dẫn thực hành dinh dưỡng, trang thiết bị, tài liệu.

Nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 2 tuổi, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực người dân trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Quyết định số 1896 ngày 25/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 61/KH-UBND, ngày 27/4/2020 triển khai thực hiện Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam” tỉnh Hòa Bình.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025: tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi  ≤ 22,4%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân dưới 5 tuổi ≤ 14,5%; tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp dưới 5%; tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai dưới 23%, riêng ở vùng miền núi dưới 25,5%. Đến năm 2030: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi ≤20,4%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ con dưới 5 tuổi ≤12,5%; tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp dưới 3%; tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai dưới 20%. Kế hoạch cũng đặt ra mục tiêu nâng cao tỷ lệ thực hành về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho người chăm sóc trẻ nhằm hướng nâng cao tỷ lệ phụ nữ cho trẻ bú sớm, trẻ duy trì bú sữa mẹ tới 24 tháng và ăn bổ sung đúng cách.

Để thực hiện kế hoạch trên, UBND tỉnh yêu cầu xây dựng các chỉ tiêu về dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời và đưa vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội tại từng địa phương; xây dựng thực đơn dinh dưỡng phù hợp theo nhóm đối tượng và vùng miền. Lồng ghép các chỉ tiêu về dinh dưỡng trong chương trình này về dinh dưỡng của các chương trình liên quan tại địa phương. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát xây dựng kế hoạch và hệ thống chỉ tiêu, bố trí kinh phí, thực thi chính sách hỗ trợ phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em dưới 24 tháng tuổi; việc thực hiện Nghị định số 100/2014/NĐ-CP ngày 6/11/2014 của Chính phủ về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời; chú trọng phối hợp với Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh trong việc thực hiện chương trình, huy động, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức đoàn thể nhân dân và các doanh nghiệp tham gia thực hiện kế hoạch về dinh dưỡng. Tiếp tục tập trung chỉ đạo để thực hiện chỉ tiêu giảm suy dinh dưỡng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu về dinh dưỡng. Thực hiện các chính sách, quy định về dinh dưỡng và thực phẩm. Quy định về sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ; tăng cường vi chất vào thực phẩm; chính sách nghỉ thai sản hợp lý, khuyến khích nuôi còn bằng sữa mẹ; nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ dinh dưỡng học đường trước hết là lứa tuổi mầm non và tiểu học; khuyến khích đặc thù hỗ trợ cho vùng nghèo, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ có thai, trẻ em dưới 5 tuổi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Bên cạnh đó, chú trọng đẩy mạnh thông tin, truyền thông và vận động thay đổi hành vi về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời; triển khai các giải pháp về chuyên môn kỹ thuật, hướng dẫn dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng và địa bàn./.