Trong 6 tháng đầu năm 2022 các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố đã nỗ lực tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ của Chương trình giảm nghèo; các chính sách giảm nghèo được giải quyết kịp thời đúng quy định. Cụ thể, Sở LĐ, TB&XH đã phối hợp tổ chức mua, cấp thẻ BHYT miễn phí cho các đối tượng, 6 tháng đầu năm 2022 đã tổ chức mua, cấp 423.630 thẻ BHYT miễn phí, trong đó: Người sống ở vùng đặc biệt khó khăn là 8.0413 thẻ; người DTTS 257.177 thẻ; người nghèo 33.590 thẻ; người thuộc hộ cận nghèo hỗ trợ 100% 22.623; đối tượng bảo trợ xã hội là 9.240 thẻ, còn lại là các đối tượng khác. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã hỗ trợ xây mới 72 nhà và hỗ trợ sửa chữa 2 nhà đại đoàn kết từ nguồn quỹ “Ngày vì người nghèo”, với tổng kinh phí trên 2,1 tỷ đồng. Thực hiện các chương trình tín dụng tính đến hết ngày 31/5/20022 ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hòa Bình đã cho 21.124 lượt khách hàng vay vốn, với danh số cho vay là 811.679 triệu đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm trong đó có: 4.440 hộ nghèo vay với số tiền là 219.041 triệu đồng; 2.943 hộ cận nghèo vay với số tiền là 145.129 triệu đồng; 1.235 hộ mới thoát nghèo vay, với số tiền 62.480 triệu đồng và một số chương trình khác... Hiện nay, tổng số khách hàng còn dư nợ vốn là 120.628 hộ.
Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh hiện cũng đang triển khai nhiều giải pháp để thực hiện công tác giảm nghèo. Trong đó, các huyện thực hiện tốt việc huy động, phân bổ nguồn lực chương trình giảm nghèo, đảm bảo đúng nguyên tắc, công khai, minh bạch, tập trung theo thứ tự ưu tiên, tránh tình trạng đầu tư dàn trải; đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo; sử dụng hiệu quả nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững. Năm 2022, tổng kinh phí thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững toàn tỉnh là trên 161 tỷ đồng, trong đó: (vốn đầu tư phát triển 104 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 56,1 tỷ đồng); vốn ngân sách trung ương: 146.499 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển 95.423 triệu đồng, vốn sự nghiệp 51.076 triệu đồng); vốn ngân sách địa phương: 14.649,9 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển 9.542,3 triệu đồng, vốn sự nghiệp là 5.107,6 triệu đồng). 6 tháng đầu năm, tỉnh đã triển khai, phân bổ kinh phí thực hiện 7 dự án: Hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội huyện nghèo (huyện Đà Bắc); Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát đánh giá Chương trình.
6 tháng cuối năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 12,99% (tương đương giảm 2,5%); giải ngân 100% nguồn vốn kế hoạch được phân bổ năm 2022. Theo đó, các cấp, các ngành và địa phương cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến mọi cấp, mọi ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả. Hình thành đội ngũ điều tra viên chuyên nghiệp, có đủ năng lực, đạo đức, trình độ chuyên môn, am hiểu địa bàn, thực tế để trực tiếp thực hiện điều tra, rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo, đảm bảo chính xác, công bằng, không bỏ sót đối tượng. Tiếp tục vận động nhiều nguồn lực để phục vụ thực hiện công tác giảm nghèo như vận động Quỹ "Ngày vì người nghèo". Tiếp tục đẩy mạnh chương trình kết nghĩa với các xã nghèo, thôn nghèo để đa dạng nội dung hỗ trợ cho hộ nghèo và thôn nghèo, xã nghèo và huyện nghèo./.